Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai

QUỐC TUẤN 17/07/2023 18:05

(QNO) - Đây là một trong những kiến nghị của Quảng Nam trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn diễn ra chiều nay 17/7 tại TP.Hội An.

Quang cảnh
Quang cảnh buổi làm việc bên bờ biển Cửa Đại. Ảnh: Q.T

Tham dự, chủ trì buổi làm việc có Trung tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn Bộ Tổng tham mưu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Tham dự buổi làm việc còn đại diện lãnh đạo Quân khu 5, các sở ngành liên quan và TP.Hội An.

Tích cực ứng phó, thích ứng với thiên tai

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Quảng Nam cho biết, trong năm 2022 tại Quảng Nam chịu tác động trực tiếp 6 đợt bão, lũ với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã chi hơn 80 tỷ đồng ngân sách địa phương hỗ trợ dân sinh, giáo dục... Đồng thời phân bổ 150 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phục vụ các hoạt động hỗ trợ, tái thiết.

Ông
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PT-NT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Q.T

Theo bộ chỉ số đánh giá phòng chống thiên tai lần đầu tiên được chấm, Quảng Nam nằm trong top các tỉnh, thành có điểm số cao, có sự đầu tư bài bản, vận hành đồng bộ trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.

Hiện toàn bộ các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai. Có 12/18 địa phương cấp huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương còn lại đang khẩn trương hoàn thành.

Quảng Nam là địa phương trọng điểm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên về việc hứng chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong ảnh: Sạt lở ở bãi biển Cửa Đại vẫn đang âm ỉ. Ảnh: Q.T
Quảng Nam là địa phương trọng điểm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên hứng chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong ảnh: Sạt lở ở bãi biển Cửa Đại vẫn đang diễn biến nghiêm trọng. Ảnh: Q.T 

Giai đoạn 2020 - 2025, Quảng Nam đã và đang tiến hành sắp xếp hơn 7.000 hộ dân vùng sạt lở. Tích cực đẩy nhanh dự án làm phòng chống bão cho dân cư khu vực ven biển. Bên cạnh. đó tỉnh cũng đang có nhiều giải pháp hỗ trợ cải thiện sinh kế cho cư dân sinh sống ở lưu vực hồ chứa thủy điện để đảm bảo cuộc sống bền vững trong dài hạn.

Theo đại diện Bộ NN&PT-NT, thời gian qua Quảng Nam là một điểm sáng trong công tác tuyên truyền, cảnh báo sớm về thiên tai đến cộng đồng dân cư thông qua việc vận hành các ứng dụng công nghệ.

Đoàn
Đoàn kiểm tra khảo sát tình hình sạt lở bãi biển Cửa Đại. Ảnh: Q.T

Trong buổi chiều 17/7, đoàn kiểm tra của Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã khảo sát tình hình sạt lở tại bãi biển Cửa Đại.

Tại buổi khảo sát, lãnh đạo TP.Hội An thông tin, do chưa có giải pháp tổng thể ứng phó sạt lở, tốc độ sạt lở hiện lan nhanh về phía tây bắc đồng thời ăn sâu hơn vào đất liền, nhất là những khu vực chưa được kè bảo vệ.

Dự án "chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, Quảng Nam" với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nếu tình hình thuận lợi sẽ được triển khai từ đầu năm 2024.

Nhiều kiến nghị từ thực tiễn phòng chống thiên tai

Tại buổi làm việc, cả đoàn kiểm tra lẫn cơ quan chức năng của tỉnh đều nhìn nhận Quảng Nam là địa phương trọng điểm về việc hứng chịu các hình thái thiên tai ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, thời gian qua Quảng Nam đã dành nguồn lực khá lớn cho công tác phòng chống thiên tai dù vậy vẫn còn nhiều bất cập phát sinh từ thực tiễn.

Phó Chủ
Phó Chủ tịch Hồ Quang Bửu nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Q.T

Ông Hồ Quang Bửu kiến nghị đoàn công tác xem xét kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về TKCN và PCTT, có đề án quốc gia về phòng chống thiên tai, có giải pháp chỉnh trị sông Quảng Huế bài bản hơn, có đơn vị quản trị tổng thể từ đầu nguồn xuống biển đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Theo lãnh đạo tỉnh, những vấn đề trên nếu được giải quyết căn cơ sẽ giải quyết đa mục tiêu mang lại lợi ích tổng thể, không chỉ tăng cường năng lực ứng phó thiên tai mà còn phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như TP.Đà Nẵng.

Còn ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PT-NT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề xuất đoàn kiểm tra nghiên cứu, có ý kiến về việc nâng cao trách nhiệm dự báo lũ về hồ chứa thủy điện của các đơn vị liên quan cũng như sớm đưa vào kế hoạch đầu tư từ nay trạm khí tượng Cù Lao Chàm để phục vụ dự báo, ứng phó thiên tai cho tuyến ven biển Quảng Nam.

Trung tướng
Trung tướng Doãn Thái Đức ghi nhận nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai của Quảng Nam và tiếp thu các kiến nghị từ phía địa phương tại buổi làm việc. Ảnh: Q.T 

Trung tướng Doãn TháiĐức ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, đề xuất của Quảng Nam đồng thời khẳng định rất ủng hộ địa phương trong việc thúc đẩy các dự án nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai, nạo vét dòng chảy và sắp tới cũng sẽ bố trí thêm tàu để lực lượng chức năng Quảng Nam có thêm điều kiện quản lý ven bờ, tìm kiếm cứu nạn ven bờ trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO