Hành lang pháp lý bảo tồn di sản đang được bàn thảo để hoàn thiện thông qua Luật Di sản sửa đổi. Riêng các di sản đô thị, cần những quy định rõ ràng hơn để tránh mâu thuẫn giữa bảo tồn và quy hoạch.
Hiện tại, theo các chuyên gia, di sản đô thị, di sản công nghiệp là những khái niệm mới và cũng là một khoảng trống về chính sách quản lý. Tốc độ đô thị hóa khiến nhiều thành phố mất đi bản sắc.
Đặc biệt, đối với những đô thị di sản, việc quản lý các di tích thuộc các cộng đồng sở hữu khác nhau, bên cạnh quy hoạch kiến trúc đô thị, gây nên nhiều mâu thuẫn.
Các chuyên gia cho rằng, cần một bộ tiêu chí đặc thù của đô thị di sản, hoặc xây dựng cơ chế đô thị di sản làm cơ sở cho các địa phương tiến hành quy hoạch, sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết mối quan hệ giữa hiện đại hóa và bảo tồn di sản đô thị trong quá trình đô thị hóa.
Đây cũng điều chính quyền đô thị cổ Hội An đang trông đợi khi địa phương này hiện có hơn 1.400 di tích được kiểm kê phân loại, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và hơn 1.330 di tích nằm trong danh mục bảo vệ.
Đặc thù của đô thị di sản chính là yếu tố cộng đồng, là “di sản sống”, do vậy khi áp dụng các quy định bảo tồn cứng như trước đây gặp nhiều khó khăn.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, các loại hình di sản văn hóa bao giờ cũng được tích hợp hoặc bao chứa trong hai loại không gian sinh thái - nhân văn là đô thị và làng xã.
Cả hai loại hình di sản này có những đặc trưng chung: là loại hình di sản sống, còn chức năng, công năng sử dụng, đang trong quá trình phát triển với sự hiện diện của chủ thể văn hóa sáng tạo và đa dạng. Mặt khác, cấu trúc hai loại hình di sản đó bao chứa các loại hình di sản văn hóa khác, cùng quần thể di tích và các di tích đơn lẻ.
Cần cơ chế, chính sách quản lý đặc thù cũng như những tiêu chí, quy định cụ thể đối với đô thị di sản để gìn giữ những vốn liếng quý báu mà vùng đất đã có.
Từ quy chế quy định các công trình kiến trúc đường phố và cảnh quan cần được bảo tồn hoặc cải tạo theo các cấp độ giá trị khác nhau cho đến tính thích ứng của cộng đồng dân cư sinh sống, các vấn đề liên quan đến sở hữu di tích...
Dự thảo Luật Di sản sửa đổi hiện tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.
Từ hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương; tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.