Kiến tạo ngành dịch vụ phát triển bền vững

PHẠM QUỐC 09/08/2022 06:57

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu ngành dịch vụ phải chuyển động, đổi mới theo hướng hiệu quả, bền vững hơn nữa để đóng vai trò thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: P.Q
Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: P.Q

Cuối tuần qua, tại TP.Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo đã ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến, đề xuất từ các đại biểu để phục vụ cho cho công tác xây dựng, hoàn thiện Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.

Năm 2021, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41% cơ cấu nền kinh tế quốc gia. Ở nhiều tỉnh, thành phố, khu vực dịch vụ là động lực quan trọng, thậm chí là hạt nhân để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Với Quảng Nam, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm gần 33% cơ cấu kinh tế tỉnh (năm 2021). Con số này chưa phản ánh hết tầm ảnh hưởng của khu vực dịch vụ đến đời sống xã hội bởi thời gian qua dịch Covid-19 tác động nặng nề khiến một số lĩnh vực thuộc khu vực thương mại - dịch vụ hầu như ngưng trệ.

Theo thống kê, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Cùng với đó, thương mại điện tử và các nền tảng thanh toán trực tuyến đang phát triển rất mạnh, dần trở thành một kênh phân phối, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, ngành dịch vụ tiếp tục có nhiều dư địa phát triển. Như với du lịch, công cụ số giúp các điểm đến ít phổ biến dễ dàng tiếp cận du khách hơn.

Trong khi khu vực công nghiệp dựa nhiều vào tài sản cơ sở vật chất thì khu vực dịch vụ có thể phát triển dưới hình thức tài sản vô hình như: năng lực kinh tế, tài sản đổi mới sáng tạo, phần mềm và cơ sở dữ liệu.

Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tăng trưởng năng suất lao động trong các lĩnh vực dịch vụ tương đương như ở khu vực công nghiệp tại hầu hết các quốc gia trên, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, thực tế đã chứng minh phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy hiện thực các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để nâng cao hiệu quả đóng góp của ngành dịch vụ, cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số.

Đồng thời chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại hình dịch vụ mới có tính liên ngành.

“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân. Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp mà bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương. Chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới” - đồng chí Trần Tuấn Anh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến tạo ngành dịch vụ phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO