Trên địa bàn Quảng Nam đã triển khai các chuỗi sản phẩm an toàn đối với thịt heo, thịt gà, trứng gà, tôm, nước mắm và rau... Tuy nhiên, bà con nông dân trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngay sản phẩm thường dùng là rau, nông dân trồng rau sạch gặp rất nhiều khó khăn như sử dụng phân bón, thuốc men phải được phép, thực hành VietGAP, GlobalGAP, liên kết theo chuỗi. Trong khi đó, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do giá cao cũng như chưa liên kết được với thị trường.
Chuyện làm ra sản phẩm sạch đã khó nhưng càng khó hơn là làm thế nào để người tiêu dùng biết được, nhận diện được sản phẩm an toàn, từ đó tạo ra đầu mối tiêu thụ một cách ổn định. Nỗ lực kiến tạo thị trường, do vậy, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để tạo động lực cho nông nghiệp phát triển theo hướng sạch hơn.
Kiến tạo thị trường bằng nhiều cách, nhưng có các yếu tố theo tôi là quan trọng: hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ; hợp tác, hỗ trợ giữa các địa phương nơi sản xuất và nơi tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu thương hiệu bằng những chỉ dẫn xuất xứ rõ ràng và được công nhận bởi cơ quan hữu quan; chú trọng truyền thông.
Chuyện hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân đã nói nhiều nhưng cần phải có động thái rõ ràng trong thiết kế chính sách, hành lang pháp lý. Chẳng hạn, cam kết về việc sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm, là việc xác lập chữ “tín” để làm ăn lâu dài. Nông dân vì chữ tín không thể làm dối ăn thiệt, và ngược lại doanh nghiệp cũng không thể bội tín khi ép giá nông sản, hoặc không tiêu thụ sản phẩm kịp thời. Liên quan trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, còn phải tạo cơ chế tập trung, tích tụ ruộng đất đủ để có khả năng sản xuất lớn cung ứng ổn định cho chế biến. Nhà nước có thể xúc tiến hỗ trợ cho mối quan hệ này thông qua cơ chế tài chính ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào “tam nông”; hoặc hỗ trợ về công nghệ. Mặt khác, nhà nước kiến tạo thị trường thông qua việc xác lập đối tác, mở rộng thị trường cho nông sản. Ở cấp độ địa phương, động thái mới đây với chương trình hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn, có thể xem là việc kiến tạo thị trường (đây là thị trường gần). Rõ ràng, Quảng Nam mong muốn hợp tác xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch trên thị trường thành phố Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh giữa 2 địa phương hợp tác phát triển sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cũng như lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, hưởng ứng ngay chương trình hợp tác này, 7 doanh nghiệp của hai địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác về cung ứng và tiêu thụ nông sản sạch của Quảng Nam.
Về việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cần đôn đốc các địa phương, các ngành hữu quan phối hợp, hướng dẫn nông dân, cơ sở sản xuất nông sản thực hiện với thiết kế đúng quy chuẩn. Chúng tôi quan sát thấy nhiều địa phương trong nước đã thực hiện việc này khá nhanh chóng để “đóng mác” hàng hóa ra thị trường (như vải, nhãn, bưởi, thanh long...). Đi kèm nhãn mác là công nhận tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...
Truyền thông là một yêu cầu không thể thiếu được nếu muốn quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thị trường. Truyền thông phải tận dụng tất cả phương tiện và được kết nối internet. Không thiếu sản phẩm được quảng bá rất tốt qua hội chợ và mạng xã hội. Tuy nhiên, truyền thông đại chúng, tiếng nói của cơ quan báo chí chính thống, uy tín, sẽ góp sức nặng hiệu quả cho việc quảng bá sản phẩm. Một chuyên mục khá hay của VnExpress vừa ra mắt năm 2017 là Nông nghiệp sạch, có mục tiêu giới thiệu khoảng 1.000 nông sản an toàn của 63 tỉnh thành. Theo dõi, tôi thấy các sản phẩm của Quảng Nam như tiêu Tiên Phước, heo sữa Bà Rén, phở sắn Quế Sơn, ớt Duy Xuyên... đã được giới thiệu khá hấp dẫn trên chuyên mục này. Cần rất nhiều tờ báo vào cuộc như vậy mới trợ giúp đắc lực để đưa thông tin về sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng.
Kiến tạo thị trường cần có thời gian và công sức, sự nỗ lực hết mình từ nhiều phía, nhưng trước hết là cần cái TÂM với nông dân, những người đang ngày đêm trăn trở tìm cửa mở cho nông nghiệp bước vào hội nhập sâu rộng.
ĐĂNG QUANG