Kiện toàn liên lạc cho tàu cá

ĐĂNG CAO 31/07/2018 09:07

Kiện toàn lại hệ thống liên lạc trên tàu cá công suất lớn không chỉ đáp ứng yêu cầu của Luật Thủy sản mà còn giúp ngư dân thuận tiện ứng phó với thời tiết thất thường khi mùa biển động đang đến gần.

Ngư dân kiểm tra hệ thống liên lạc trước khi ra khơi. Ảnh: Đ.C
Ngư dân kiểm tra hệ thống liên lạc trước khi ra khơi. Ảnh: Đ.C

Ngư dân Bùi Văn Phước (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành) là chủ tàu cá QNa-90352 có công suất 90CV hành nghề lưới vây trũ ở ngư trường xa bờ và tuyến lộng. Hiện tại, trên tàu cá có chiều dài 15m này, ngư dân mới chỉ trang bị máy bộ đàm tầm ngắn để liên lạc với các chủ tàu khác cùng ngư trường. Trên tàu cá QNa-90352 không có hệ thống liên lạc thiết yếu là máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS và máy Icom. Do đó, ông Phước không thể nhận được các bản tin thông báo thời tiết được phát trên các đài radio cũng như liên lạc với trạm bờ. “Khi nhận biết sẽ phải đối phó với tình huống xấu của thời tiết biến động, tôi phải điều tàu ra xa khu vực có tầm hoạt động của gió, bão. Tuy nhiên bão có thể đổi hướng hoạt động bất cứ lúc nào, rất khó xoay xở” - ông Phước nói. Hay ngư dân Trần Chinh (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91969 có chiều dài 16m, công suất 160CV, hoạt động ở tuyến lộng và xa bờ cũng mới chỉ đầu tư máy bộ đàm tầm ngắn chứ chưa có máy Icom, máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. “Do không thể tự huy động vốn lớn nên tôi rất mong nhà nước hỗ trợ kinh phí để lắp đặt đủ hệ thống liên lạc để ứng phó sự cố trên biển” - ông Chinh nói.

Mới đây, ngành thủy sản đã đề xuất với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí đầu tư thêm 1 máy trạm bờ VX1700 bố trí ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam để tiếp nhận các thông tin 2 chiều từ biển về bờ và ngược lại. Ngư dân có thể kết nối liên lạc với trạm bờ mọi lúc, mọi nơi thông qua 3 tần số là 8006, 8015 và 7118.

Theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên), hiện trên địa bàn xã mới chỉ có những chủ tàu đăng ký, được UBND tỉnh xác nhận tàu cá sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mới trang bị được máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS vì đó là điều kiện cần để được nhận hỗ trợ dầu với mức tối đa là 400 triệu đồng/năm. Còn lại, nhiều tàu cá công suất lớn có chiều dài từ 15m trở lên, sản xuất xa bờ nhưng không trang bị hệ thống liên lạc nói trên, rất khó ứng phó trong mùa bão lũ. Theo ông Nguyễn Thanh Rân - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Tiến, trên địa bàn hiện có 86 tàu cá công suất lớn hoạt động xa bờ nhưng chỉ mới có 24 tàu cá trang bị được máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. “Những tàu trang bị được hệ thống liên lạc vì được hỗ trợ 100% chi phí mua thiết bị. Họ thường xuyên nhắn tin về trạm bờ để được nhận hỗ trợ dầu theo quyết định của Chính phủ. Chúng tôi sẽ vận động các chủ tàu công suất lớn còn lại trang bị đầy đủ các thiết bị liên lạc để dễ xử lý tình huống trên biển” - ông Rân nói.

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.1.2019 thì mọi tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải trang bị thiết bị định vị vệ tinh để tiện theo dõi, quản lý từ ngành chức năng. Do đó, các chủ tàu phải trang bị máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Khai thác & phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, để được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí trang bị máy HF tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ sinh GPS, các chủ tàu phải đăng ký, thực hiện đủ hồ sơ để UBND tỉnh xác nhận hoạt động ở các vùng biển xa. “Thông qua hệ thống liên lạc này, các chủ tàu dễ kết nối thông tin, tương trợ ứng cứu nhau trên biển khi gặp tình huống xấu. Đồng thời việc cập nhật liên tục hành trình của tàu cá trên biển về đất liền giúp cho ngành thủy sản dễ quản lý, kịp thời hướng dẫn ngư dân chủ động không đi ra ngoài lãnh hải nước ta cũng như ứng phó với sự cố trên biển” - ông Toàn nói.

ĐĂNG CAO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiện toàn liên lạc cho tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO