Kiện toàn thiết chế văn hóa

HOÀNG LIÊN - TÂM LÊ 26/11/2020 10:19

Để phong trào xây dựng đời sống văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, những năm qua, huyện Nông Sơn chú trọng đầu tư xây dựng, kiện toàn thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Di tích Dinh Bà Thu Bồn tại thôn Trung An, xã Quế Trung, một công trình thiết chế văn hóa gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Di tích Dinh Bà Thu Bồn tại thôn Trung An, xã Quế Trung, một công trình thiết chế văn hóa gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Gắn kết cộng đồng

Buổi chiều hàng ngày, bà con thôn Trung Phước 2 (xã Quế Trung) tập trung về nhà văn hóa thôn để tập dưỡng sinh, tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện sức khỏe… Bà Đỗ Thị Liên - Chủ nhiệm CLB dưỡng sinh thôn Trung Phước 2 cho biết, năm 2019, khi nhà văn hóa thôn được đưa vào sử dụng thì CLB dưỡng sinh cũng được thành lập, hoạt động đến nay với hơn 50 thành viên.

“Không chỉ trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của thôn, nhà văn hóa còn là nơi mọi người gặp gỡ, giao lưu sau một ngày lao động sản xuất, nắm bắt các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cũng là nơi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của bà con, thể hiện sự đoàn kết, giúp nhau vượt khó, gắn kết tình làng, nghĩa xóm” - bà Liên nói.

Năm 2019, nhà văn hóa thôn Trung Phước 2 được xây dựng  trên khuôn viên rộng 150m2, với kinh phí gần 600 triệu đồng. Ông Trương Phúc Liệu - Bí thư kiêm Trưởng thôn Trung Phước 2 cho biết, trước đây, thôn phải mượn nhà dân hoặc trường học để tổ chức hội họp. Có nhà văn hóa thôn, bà con rất phấn khởi, càng tích cực tham gia các cuộc họp, sự kiện của thôn và chung tay xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Thôn Trung Phước 2 đạt danh hiệu thôn văn hóa 8 năm liền. Toàn thôn có 325 hộ, năm 2020, đạt tỷ lệ 98% gia đình văn hóa; 100% người dân sử dụng nước sạch và có điện chiếu sáng.

5 năm qua, thôn đã vận động hiến hơn 10.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. “Từ nguồn tiền thưởng khuyến khích đăng ký thoát nghèo, năm 2019, thôn đã chi 168 triệu đồng để đầu tư các trang thiết bị nhà văn hóa như bàn ghế, phông màn, quạt… Các hạng mục như sân bóng chuyền, sân bóng đá… đã thu hút đông đảo người dân sinh hoạt, tập luyện. Những thiết chế văn hóa này đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân rất rõ” - ông Liệu nói.

Còn tại thôn Trung An (Quế Trung), theo ông Lê Văn Hoàng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, trước đây, thôn bị cô lập hoàn toàn, điện, đường, trường, trạm đều không có, thiếu nước sinh hoạt, thì nay, đời sống bà con được cải thiện rất nhiều. Ban đêm, toàn thôn có điện đường chiếu sáng, tuyến ĐT 610 qua thôn được nâng cấp, mở rộng khang trang, hiện được nâng lên thành quốc lộ 14H. Dân Trung An đã sống đời sống mới từ khi có điện, có đường, có trường, có trạm y tế, có nhà sinh hoạt văn hóa thôn.

Bà con còn chung tay gìn giữ, cùng với Nhà nước trùng tu di tích Dinh Bà Thu Bồn khang trang. Dinh Bà được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2020, với người dân, đây là niềm vui và tự hào.

“Có thể nói, các công trình, thiết chế văn hóa trên địa bàn thôn gắn bó mật thiết với đời sống bà con nơi đây. Ở thôn, có việc gì cũng tới nhà văn hóa thôn, đời sống văn hóa rất khởi sắc. Dinh Bà là mạch nguồn văn hóa cộng đồng dân gian cần được phát huy. Tuy nhiên, Nhà nước cần sửa sang lại một số hạng mục bị bão lũ gây ảnh hưởng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con” - ông Hoàng nói.

Phát huy giá trị thiết chế văn hóa

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến nay, toàn huyện có 6/6 xã đã thành lập Trung tâm VH-TT; 29/29 thôn có nhà văn hóa. Toàn huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng 17 sân bóng đá, 21 sân bóng chuyền, 23 sân cầu lông, 6 sân bóng đá mini, 2 sân cỏ nhân tạo, 3 bể bơi, 2 điểm dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời, 1 nhà luyện tập các môn thể thao.

Theo bà Thủy, cơ sở vật chất, hạ tầng thiết chế văn hóa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phù hợp với tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhất là phong tục, tập quán của vùng, miền, dân cư... Vì sự cần thiết đó, huyện đã chỉ đạo các đơn vị, các cấp, các ngành quan tâm quy hoạch quỹ đất, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp thực tiễn địa phương.

Thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn Nông Sơn đều phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao. Nhiều mô hình CLB văn hóa - thể thao ra đời, đáp ứng được nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống cộng đồng dân cư. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, tác động tích cực đến từng cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

“Huyện đã huy động có hiệu quả sự đóng góp của cộng đồng trong xây dựng các thiết chế văn hóa, lồng ghép phong trào với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo...” - bà Thủy nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiện toàn thiết chế văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO