Để có được một năm học mới với số lượng học sinh dân tộc thiểu số theo học nghề đạt hơn 112% kế hoạch giao, tập thể giáo viên Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh đã nỗ lực bám bản làng, bám học sinh, giúp lao động miền núi có nghề nghiệp ổn định.
Bám bản làng
Đào tạo nghề cho học sinh, lao động (LĐ) người đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh.
Kể từ ngày có Quyết định 3577 của UBND tỉnh, giáo viên nhà trường đã kiên trì bám bản làng, đào tạo nghề cho LĐ để họ có được công ăn việc làm ổn định. Đào tạo nghề may công nghiệp cho LĐ để họ đi làm ở đồng bằng được nhà trường thực hiện mạnh từ những ngày đầu Quyết định 3577 có hiệu lực. Giáo viên nhà trường cùng với cán bộ huyện, xã đi đến từng thôn, bản, gõ cửa từng nhà của LĐ để vận động họ đi học nghề không còn là chuyện lạ ở khắp các huyện vùng cao của tỉnh. Hơn 2.000 LĐ miền núi đã được đào tạo nghề may; trong đó trên 85% LĐ được nhà trường kết nối, giới thiệu việc làm ổn định tại một số công ty như Panko Tam Thăng, Germton (Quế Sơn), Vast Apparel (Phú Ninh)...
Những trường hợp đến từ huyện Nam Trà My, như anh chị Nguyễn Văn Ngheo và Vũ Thị Vệnh, hay Nguyễn Đăng Lâm và Nguyễn Thị Nghiêm cùng nhau rời núi rừng, đi học nghề may và đang cùng làm việc ổn định ở Công ty Panko Tam Thăng. Nguồn thu nhập của những cặp vợ chồng cùng đi làm đều đạt từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. Đi làm, họ thoát khỏi hộ nghèo nhờ có nguồn thu nhập. Để có được kết quả này xuất phát ban đầu từ sự kiên trì của những giáo viên Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh và cán bộ ngành LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Chúng tôi cùng với giáo viên của trường nghề phải kiên trì vận động, tuyên truyền để LĐ chịu học nghề, rời bản làng để đi làm. Nhiều gia đình sau khi vợ đi học và làm việc ổn định, người chồng có thêm động lực để tiếp tục đăng ký học nghề để cùng vào làm việc chung công ty. Nhờ thế mà nhiều hộ gia đình trẻ thoát nghèo. Trường nghề đã có cách làm hiệu quả là đào tạo tại trường kết hợp với đào tạo, giới thiệu việc làm ngay tại doanh nghiệp nên LĐ yên tâm, huyện cũng yên tâm khi đưa LĐ đi học nghề, đi làm”.
Giải quyết việc làm sau đào tạo
Cứ mỗi dịp tuyển sinh học sinh học nghề trung cấp, sơ cấp tại Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh, tiêu chí giải quyết việc làm sau đào tạo luôn là vấn đề được người học quan tâm. Thế nên, chuẩn bị những địa chỉ tốt cho học sinh sau đào tạo luôn được nhà trường chú trọng, đặc biệt ký kết văn bản hợp tác đào tạo, lo đầu ra cho người học trước khi bước vào năm học mới. Nhờ vậy, việc tuyển sinh đào tạo của nhà trường thuận lợi hơn.
Trong năm học 2019 - 2020 này, nhà trường đã tuyển sinh hệ trung cấp được 225 học sinh (đạt tỷ lệ 112,5% so với kế hoạch UBND tỉnh giao). 100% học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, đến từ các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My. Học sinh theo học nhiều ngành nghề khác nhau, như mộc xây dựng và trang trí nội thất, hàn, may thời trang, thú y.
Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thanh niên Dân tộc miền núi tỉnh cho biết: “Nhà trường đã đa dạng hóa các phương thức đào tạo, có thể kết hợp đào tạo tại trường, tại doanh nghiệp và đào tạo tại địa phương, tạo điều kiện để LĐ thuận tiện hơn trong quá trình học”.
Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với thực tập, thực tế sản xuất tại doanh nghiệp nhằm giúp học sinh có trình độ tay nghề tốt hơn. Việc biên soạn chương trình đào tạo theo hướng gắn kết với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và phù hợp với tính đặc thù miền núi, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ đào tạo, nhất là đối với các lớp đào tạo tại địa phương. Trình độ giảng dạy của đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng không ngừng được nâng cao thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Cũng theo ông Quý, trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị đào tạo và nguồn lực, nhà trường luôn tranh thủ sự hỗ trợ nguồn chuyên gia, lao động kỹ thuật, thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp gắn liền với quá trình đào tạo tại trường và giải quyết việc làm sau đào tạo tại doanh nghiệp.