Tìm được con đường thu hút đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai trước sức ép cạnh tranh từ các khu kinh tế vùng duyên hải miền Trung vẫn là một trong những vấn đề đáng quan tâm của Quảng Nam hiện nay.
Chật vật phát triển
Quảng Nam đã xác định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô và trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô là dự án động lực của Khu kinh tế mở Chu Lai. Không chỉ chính thức đưa vào vận hành nhà máy xe chuyên dụng hạng nặng và sơmi rơmóoc, công suất thiết kế 5.000 sản phẩm/năm với tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng vào trung tuần tháng 2.2016, Công ty CP Ô tô Trường Hải còn dự kiến sẽ đầu tư 2.256 tỷ đồng cho năm 2016, cam kết Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải sẽ trở thành “cứ điểm” sản xuất linh kiện, phụ tùng và lắp ráp ô tô có tầm vóc trong khu vực ASEAN… Tuy nhiên, ngoài niềm hy vọng về một ngày sẽ có những chiếc ô tô nhãn hiệu Việt Nam sản xuất tại Chu Lai xuất khẩu sang khu vực AFTA thì vẫn chưa có sự mới mẻ nào sau 13 năm đầu tư Khu kinh tế mở Chu Lai. Một bản “điều trần” về cơ chế tài chính không ổn định, thể chế, chính sách đầu tư vẫn chỉ ở mức “thêm chất xúc tác” cho khu vực này được gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sau nhiều cuộc hội thảo vẫn chưa tạo cho Chu Lai sự thay đổi lớn và khác biệt.
Trường Hải vẫn là doanh nghiệp hàng đầu trong sự phát triển của vùng đất Chu Lai. Ảnh: T.D |
Theo thống kê, hiện Khu kinh tế mở Chu Lai có 5 khu công nghiệp với 66/109 dự án còn hiệu lực đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư 837,1 triệu USD. Các dự án tại Chu Lai đã tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực, giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 68 triệu USD (gấp 12 lần năm 2006), giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 12.000 lao động… Điểm nổi bật hiện nay là Chu Lai đã bắt đầu có những sản phẩm bước chân vào thị trường khu vực. Một số sản phẩm, linh kiện ngành công nghiệp ô tô, điện tử, may mặc, kính… đã được xuất khẩu đi nhiều nước trong khu vực. Chỉ một vài năm nữa, các sản phẩm dệt may tại Tam Thăng sẽ chính thức xuất khẩu, tạo tiền đề cho việc tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu… Tuy nhiên, cho dù đã được đánh giá là hiệu quả nhất trong 15 khu kinh tế tại Việt Nam, được chọn là 1 trong 8 nhóm khu kinh tế được tập trung đầu tư từ năm 2016 - 2020, thì sự thành công của Chu Lai hiện tại vẫn chỉ ở mức một khu công nghiệp hơn là thành công trong vai trò một khu kinh tế mở trên bình diện quốc gia như mong đợi. Kết quả sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 4.5.2012 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XX) về xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp như thu hút hàng năm 300 triệu USD, tăng giá trị xuất khẩu hàng năm 26%, chiếm 30% toàn Quảng Nam, lấp đầy các khu công nghiệp… vẫn không đạt như kế hoạch (trừ giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách).
Tìm cơ hội cho Chu Lai
Kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở với “hạt nhân” khu thương mại tự do đã không thể thực hiện được. Địa vị pháp lý và dự phóng tương lai cũng mất khi Chính phủ công bố chọn xây dựng mỗi miền một đặc khu kinh tế. Cơ chế chính sách gần như tương đồng nên Chu Lai đã mất dần lợi thế so sánh. Chu Lai chỉ còn là hiện thân của 1 trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia được đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Cơ hội nào cho Chu Lai trong “tấm áo” cơ chế cũ, quá chật, những nhà đầu tư riêng lẻ, cô đơn trong chuỗi sản xuất…, một lần nữa lại được đem ra luận bàn hôm 1.3.2016. Từ chính quyền đến các cơ quan hữu trách đều cho rằng định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 09 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều người thừa nhận việc tiếp tục đề xuất trung ương và Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để tăng sức cạnh tranh của Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài sẽ khó thực hiện được. Hiện tại cơ chế được áp dụng dàn trải trên 15 khu kinh tế ven biển cả nước cơ bản giống nhau.
Dễ dàng nhìn thấy Chu Lai đang chờ đợi cơ hội phát triển vào các dự án đầu tư trọng điểm. Đó là dự án trung tâm khí - điện do Tập doàn Dầu khí Việt Nam liên doanh với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và khu công nghiệp dệt may Tam Thăng… Những dự án này được đánh giá là có tính khả thi cao, sẽ là những dự án động lực lan tỏa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh cho địa phương và không phá vỡ quy hoạch Quảng Nam. Theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, xu hướng hiện nay chỉ xin được cơ chế ưu đãi và nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương cho từng dự án riêng biệt, đặc thù, thí điểm… như cách đã làm với các dự án khu công nghiệp ô tô, dự án tổng thế sắp xếp ven biển, dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, trái phiếu Chính phủ cầu Cửa Đại. Điều quan trọng cần thiết là nỗ lực làm việc với các cơ quan trung ương để đề xuất cơ chế, chính sách và hỗ trợ các dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là các dự án có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. Trước mắt là cần đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia và các dự án thành phần, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, đầu tư phát triển sân bay Chu Lai theo quy hoạch của Chính phủ...
Chu Lai vẫn còn lực hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhưng nếu cứ loay hoay tìm cơ chế, thiếu giải pháp huy động nguồn lực, thiếu hoạch định chiến lược thu hút đầu tư cụ thể thì vẫn sẽ khó có cửa đột phá mạnh mẽ!
TRỊNH DŨNG