Kiến trúc - nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu: Xưa và nay

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 27/12/2015 09:22

Tiếp xúc với văn hóa của người Cơ Tu - một tộc người cư trú trải dài từ phía tây tỉnh Quảng Nam đến đông nam tỉnh Thừa thiên Huế và rộng đến tỉnh Sê Kông (Lào), điều đầu tiên gây ấn tượng cho những ai thích mỹ thuật truyền thống, mang dấu ấn bản địa, đó là những hình chạm khắc, tô vẽ  trên ngôi nhà cộng đồng - gươl và nhà mồ - pink.

Trong bài viết  này, tôi chỉ ghi lại những cảm nhận cũng như góp vài nhận xét về kỹ thuật cùng cách tạo hình truyền thống và sự giao thoa tiếp thu cái mới trong  kiến trúc – nghệ thuật  từ miền xuôi  lên. Những cảm nhận  này dẫu  được trao đổi và tham khảo những bài viết từ  các chuyên gia về ngành Dân tộc học kết hợp  những chuyến đi điền dã (từ những năm 1985 và gần đây nhất là tháng 7 tại  2 huyện Đông Giang và Tây Giang)  nhưng cũng mang yếu tố chủ quan cá nhân. Hy vọng có thêm sự vào cuộc của các nhà chuyên môn để làm sáng tỏ hơn vấn đề.

Kiến trúc - nghệ thuật của gươl

Sơ lược kiến trúc này là ngôi nhà chung của làng. Được mọi người cùng góp sức tạo dựng lên với tâm thức: “chưa có gươl chưa có làng”.  Trong quá trình từ lúc khởi công đến hoàn thành ngôi nhà cộng đồng này, các thành viên của làng như người lớn, già làng có vai trò quan trọng trong việc chọn đất dựng gươl; người nam vào rừng chọn cây; người nữ chọn lá lợp nhà… nghĩa là có sự phân công hợp lý, phù hợp với sức khỏe, năng khiếu của những người trong làng.

Phối cảnh hệ khung nhà gươl.
Phối cảnh hệ khung nhà gươl.

Những tính truyền thống trong kỹ thuật kết cấu và nghệ thuật trang trí tạo dáng trên  các cấu kiện gỗ của gươl: Kiến trúc này có bộ khung đỡ mái chủ yếu bằng gỗ và cây cột giữa (zơ rầng măng), cột mệ thường được chọn loại cây gỗ trai (x’riếng) vì chịu được nước khi chôn lâu dưới đất. Khi dựng nhà không tạo nên được một bộ vì như người Kinh mà phải dựng từng cột riêng lẻ. Do công cụ làm nhà đơn giản là rìu, dao, rựa nên kỹ thuật liên kết cột (chiều đứng) với xà (chiều ngang) lẫn chiều nghiêng như kèo không ăn mộng xuyên qua và có chốt nêm. Chỉ là hình thức với kỹ thuật gá lắp, đục thủng rồi ăn vào, kết hợp cột bằng dây mây. Để nối dài cột hay ván chủ yếu dùng mộng đuôi cá. Cột thường dùng rìu, dao đẽo, để màu tự nhiên không sử dụng véc ni. Chiều cao từ đất đến sàn thấp (từ 120 - 160cm).

Về riêng lẻ như thôn Pà xua (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) có kỹ thuật lợp mái từ trên xuống. Trường hợp này tôi đã bắt gặp nhóm thợ ở Ta Bhing, khi lợp gươl cho làng Về Nguồn ở Hương Hồ, TP.Huế. Họ đã tiến hành với cách sau: một người kéo tấm lá đã đánh thành tấm  từ dưới lên trên bằng dây, hai người  đứng bên trong (trên những thanh xà) dùng cây chống  tấm lá đã lợp  trước hở lên để đầu tấm lá bên dưới lọt vào. Cứ thể cho đến tấm cuối cùng ở chân mái. Cách lợp của họ không phải phổ biến nhưng có lẽ cần phải nghiên cứu lý do họ làm theo cách này.

Cấu tạo liên kết trong bộ khung nhà gươl.
Cấu tạo liên kết trong bộ khung nhà gươl.

 Các tấm ván cần phải chạm khắc được sử dụng nguyên tấm (ví dụ không chạm hình đầu trâu riêng lẻ rồi gắn vào). Còn trang trí chạm khắc chủ yếu dùng hình tượng, biểu tượng như hệ động vật, thực vật các vị thần gần với đời sống chung quanh nơi cư trú hay tâm thức quan niệm của người miền núi. Màu sắc  tô vẽ đơn giản chủ yếu khai thác  tại chỗ các vật liêụ như than gỗ, đá màu nhặt tại suối, vôi... và cũng  tiết chế việc tô vẽ trên bề mặt đã điêu khắc. Công cụ tạo hình như dao khắc, rùi để đẽo… không tạo bề mặt láng mà thường để nhám, thô mộc.    

Những thay đổi

Do được tiếp xúc với các công cụ mới hiện đại từ miền xuôi mang lên như  các loại đục gỗ, bào, cưa và nhất là các máy chạy bằng điện, pin như máy cưa, máy bào, máy khoan… cũng như vật liệu để tô vẽ (các phẩm màu, hóa chất)  đã tạo nên một gươl khác trong thị giác.

Có thể thấy những thay đổi như cột giữa không nhất thiết phải là loại gỗ x’riếng và cột kê trên đá hoặc đế xi măng không cần phải chôn.  Sử dụng nhiều kỹ thuật mộng của người miền xuôi như ăn mộng xuyên qua và có chốt nêm để khóa. Tỷ lệ mái tranh với chiều cao  nhà (do sàn nâng quá cao) đã làm giảm vẻ đẹp của gươl. Cột đến các cấu kiện gỗ khác được sử dụng cưa, bào, khoan bằng máy. Và cả nhuộm gỗ bằng vec-ni. Vài gươl lợp vật liệu mới như tôn. Thợ dùng bào đục, giấy nhám… tạo nên các bề mặt đã chạm khắc nên thường láng, nhẵn. Ngoài ra còn sử dụng nhiều màu để tô vẽ trên các tác phẩm đã điêu khắc trang trí trong và ngoài nhà. Do đó, rốt cuộc tạo ra nhiều hình ảnh biểu tượng xa lạ với đồng bào như phỏng theo lối trang trí ở miền xuôi (ví dụ hình quả tim với con chim bồ câu, hình con dơi...).

Nhà mồ - pink

Kiến trúc này cũng bằng gỗ là chủ yếu, thường xây dựng  gần làng ở phía tây. Là nơi cất giữ xương cốt người chết sau khi đã cải táng, lễ bỏ mả. Kiến trúc này có hai phần  gồm nhà có mái che và phần quan tài bên dưới với tượng mồ chung quanh  được trang trí chạm khắc và tô vẽ.

Bên trong gươl với những hệ khung được trang trí hoa văn, chạm khắc.
Bên trong gươl với những hệ khung được trang trí hoa văn, chạm khắc.

Vật liệu và tạo hình truyền thống: nhà mồ được dựng bằng gỗ  từ mái đến quan tài và tượng mồ. Thường có 2 mái gỗ với bờ nóc và bờ chảy có trang trí, đồng thời hai mái hợp lại là chiều dài của nhà. Cũng như gươl, nhà mồ người nghèo đơn giản, nhưng với người giàu có thường có  hệ thống tượng tròn, phù điêu chạm nổi hoặc chạm thủng và tô vẽ với  3 màu đen, đỏ và trắng. Con thú thân quen với biểu tượng đầu trâu luôn xuất hiện ở đầu diềm mái hoặc đầu quan tài.

Những thay đổi hôm nay: vẫn giữ 2 mái, nhưng lợp tôn hoặc ngói và mới hơn là  bê tông dán gạch men, đá. Cả cột chống đỡ mái và quan tài cũng được  gạch tô xi măng và trang trí gạch men.

Vài nhận xét

Sẽ khó khăn cho ai khi lần đầu tiếp xúc những kiến trúc mang tâm thức của người miền núi nói chung và người Cơ Tu nói riêng. Sự lặp lại, tính phổ biến là yếu tố để tôi có thể khẳng định về tính truyền thống. Vì vậy qua nhiều lần khảo sát, cũng như đo vẽ  các kiến trúc trên, kết hợp với tiếp xúc những nghệ nhân làm công việc trang trí gươl, làm tượng mồ, cột lễ như anh Cor Kertic, B’riu Pố… ở Tây Giang vài nghệ nhân ở xã Ta Bhing, Nam Giang, tôi cho rằng ở cả gươl và pink đều có tính thống nhất cao từ kiến trúc gươl, cột lễ đến nhà mồ trong mô típ trang trí cả chạm khắc và tô vẽ. Trong kiến trúc, giữ được tính bản sắc cao. Người Cơ Tu mang tâm thức cả hướng nội lẫn hướng ngoại; không tạo hình cái không nhìn thấy (ngay cả nếu cần làm tượng một vị thần cũng là việc minh họa câu chuyện cổ được kể lại);  sự bắt chước mang tính cách hồn nhiên, giữ tính chất nguyên sơ. Đáng tiếc là việc sử dụng các công cụ làm nhà hiện đại cũng như trong tạo hình bằng phương tiện mới với màu sắc đa dạng, đã tạo nên mỹ cảm khác.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến trúc - nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu: Xưa và nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO