Kiến trúc xanh trong giấc mơ đô thị

PHAN HOÀNG 12/10/2015 09:39

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh, có lẽ nói đến kiến trúc xanh ở Quảng Nam không phải là quá sớm.

Ở  các quốc gia phát triển, kiến trúc xanh được nhắc đến những năm 80 của thế kỷ 20 và dần trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại. Tại Việt Nam, cụm từ kiến trúc xanh cũng được nhắc đến rất nhiều vào những năm gần đây. Cơn lốc đô thị hóa khiến nhiều người bắt đầu mơ đến một không gian sống trong lành – mà trước đó, nó vốn có, vốn thuộc về mình.

Có thể hiểu kiến trúc xanh là kiến trúc được tạo dựng bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng. Còn nhớ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – ông Vũ Ngọc Hoàng từng đưa ra ý tưởng xây dựng kiến trúc xanh cho Quảng Nam, với mô hình làng trong phố - phố trong làng. Kiến trúc cho các đô thị của Quảng Nam đến bây giờ, có lẽ vẫn đi theo hướng đó. Tiếc là chưa thấy quy hoạch tổng thể kiến trúc và một định chế quản lý rõ ràng. Các thành phố cũng chưa có kiến trúc sư trưởng để quản lý chuyên ngành.

kiến trúc xanh ở khu du lịch sinh thái Triêm Tây. Ảnh: T.V.LỘC
kiến trúc xanh ở khu du lịch sinh thái Triêm Tây. Ảnh: T.V.LỘC

Theo KTS. Huỳnh Dương Phượng Vỹ, kiến trúc xanh ở Sài Gòn đã được giới kiến trúc sư dành sự quan tâm đặc biệt. Kiến trúc xanh đang được cộng đồng xã hội và các nhà quản lý xây dựng quan tâm, trở thành định hướng sáng tác của giới kiến trúc, các nhà đầu tư bất động sản cũng xem kiến trúc xanh như một trong những tiêu chí hàng đầu cho việc kinh doanh. Nhưng ở đô thị lớn là Sài Gòn, nó vẫn chỉ mới dừng lại ở hình thức phong trào là chính. Vấn đề là nằm ở quy hoạch, chứ không phải nằm ở các công trình riêng lẻ. Mà quy hoạch thì đòi hỏi quá nhiều thứ. Sài Gòn còn vậy, huống hồ tỉnh lẻ như Quảng Nam. Trong góc nhìn khoa học, thì kiến trúc xanh tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, việc Quảng Nam đưa ra trong định hướng phát triển giai đoạn 2016-2020 trở đi, với yêu cầu: Tập trung vào cách tiếp cận tăng trưởng xanh và đô thị sinh thái; cùng với đó là giải pháp phát triển các đô thị làm hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững có thể xem là hướng đi... hợp xu thế.

5 tiêu chí của kiến trúc xanh Việt Nam
1. Địa điểm bền vững: Tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trương sống của con người.
2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả: Nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu…
3. Chất lượng môi trường trong nhà: Tạo được môi trường trong nhà có chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình.
4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: Hướng tới nền kiến trúc hiện đại, gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.
5. Tính xã hội - nhân văn và bền vững: Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội - nhân văn ổn định, bền vững.

Theo KTS. Bùi Kiến Quốc, kiến trúc xanh hiện đại ở Quảng Nam cũng chỉ manh nha ở đâu đó, vì người ta chưa quan tâm đến nhiều và cũng vì tốc độ phát triển chưa đến mức khiến người ta đặt nó lên hàng đầu. Ông nói, môi trường không còn là sự lựa chọn mà là phương án duy nhất, không chọn nó tức là chết. Nếu ngay từ bây giờ, quy hoạch của Quảng Nam đặc biệt chú ý đến môi trường, chú ý đến kiến trúc xanh, rút kinh nghiệm từ các khu vực phát triển nóng, ảnh hưởng cũng như tàn phá nặng nề đến môi trường, thì sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với mười năm nữa. Đừng đến lúc mất rồi mới lo cuống lên. Một số quốc gia như Hà Lan, Na uy, Đan Mạch đã quan tâm và bắt đầu... làm mô hình của Triêm Tây: làng sinh thái. ‘‘Nhưng họ phải mua lại đất đô thị mới có thể làm được. Chi phí cho việc làm như này không hề nhỏ. Trong khi nông thôn của Quảng Nam còn rất nhiều làng quê tương tự. Tại sao chúng ta không giữ lại và tiếp tục xây dựng? Không gian xanh tự nhiên của Quảng Nam còn khá nhiều, vì vậy phải bảo vệ nó trước tốc độ phá hủy của quá trình đô thị hóa” – KTS. Bùi Kiến Quốc nói.

Đô thị ở Quảng Nam nhiều nơi vẫn chưa ra vóc dáng. Vì vậy, cùng với việc xây dựng hình hài đô thị, thì kiến trúc xanh để cân bằng sinh thái vẫn là giấc mơ thường hằng.

PHAN HOÀNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến trúc xanh trong giấc mơ đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO