Kiếp sau, nếu có làm người...

LÂM BÌNH THÁI 17/11/2013 09:33

Còn nhớ, vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi tờ Văn nghệ trẻ - phụ trương của báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) xuất bản, tôi sốt sắng cộng tác. Và truyện ngắn của tôi lần lượt được chọn đăng. Phấn khởi, tôi gửi truyện ngắn tới tấp cho tờ Văn nghệ trẻ. Nhưng rồi, sau đó sáng tác của tôi thưa vắng dần trên mặt báo. “Chắc mình viết không đạt nên ban biên tập vứt vào sọt rác!” - tôi an ủi mình.

Như là duyên tiền định, tôi không thể dứt bỏ nghề văn để an tâm sống với nghề báo, vì vậy, thỉnh thoảng tôi lại gửi truyện cộng tác với tờ Văn nghệ trẻ. Mùa thu 1998, Báo Văn nghệ trẻ giới thiệu tôi là đại biểu chính thức đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V - 1998. Lần đầu tiên nhảy tàu lửa ra thủ đô. Lần đầu tiên bước chân đến “ngôi đền thiêng” ở 17 Trần Quốc Toản - Hà Nội. Lần đầu tiên gặp gỡ nhà văn Nguyễn Quang Lập - tác giả tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” gây tiếng vang lớn trên văn đàn lúc bấy giờ. “Bọ Lập” kéo tôi ra quán bia ở cạnh Tòa soạn Báo Văn nghệ để “lai rai vài chai”. Chuyện vui, “bọ Lập” bảo tôi: “Chú mày khờ lắm! Viết được nhiều thế, sao không gửi bớt cho báo khác, cứ tống hết cho Văn nghệ trẻ để bọn anh xếp xó?”. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. “Bọ Lập” giảng giải: “Mỗi số báo chỉ có 16 trang, đăng truyện của mày mãi, tất phải gác sáng tác của người khác lại. Như thế là không công bằng…”. Thì ra là vậy!

Bây giờ làm biên tập viên văn nghệ cho một tờ báo, tôi thấy nhiều cộng tác viên cũng giống như tôi thuở nào! Có bài được đăng, phấn khởi gửi liên tục hằng tuần. Có người gửi vài ba truyện ngắn. Có người gửi 4 - 5 bài thơ. Có người email cả một trường ca dài nửa ngàn câu dài ngắn. Có người “đa năng”, viết được truyện ngắn, tạp văn, phóng sự, ghi chép… và vì quá yêu mến tờ báo nên gửi gắm tất cả những gì mình đã viết ra! Trời ạ! Cả tuần nhận hàng trăm tác phẩm gồm đủ các thể loại của những cây bút “có nghề”, trong khi tờ báo chỉ có hai trang văn nghệ, đăng ở đâu cho hết? Tôi buộc phải chọn lựa những sáng tác “theo dòng thời sự” ưu tiên sử dụng trước. Biết làm sao được! Còn lại, tất cả phải xếp hàng đợi chờ đến lượt. Chen ngang nhiều lần không được, nhiều người phản ứng: Hờn lẫy, giận dỗi, nói cạnh nói khía... Tôi chỉ biết cười trừ. Bởi tôi hiểu nghề biên tập là nghề “làm dâu trăm họ…”. “ “Sân chơi văn nghệ” cần sự bình đẳng, chẳng thể thiên vị người này người nọ…

Có làm biên tập viên văn nghệ tôi mới thấm thía phận người “trên đe dưới búa” với quá nhiều áp lực trút lên đầu. Nhiều cộng tác viên gặp gỡ chuyện trò và tỏ sự cảm thông. Song cũng có không ít cộng tác viên “chẳng chịu hiểu giùm”, cứ email thẳng cho lãnh đạo kèm theo những dòng thư điện tử giãi bày tâm sự, khiến người cầm trịch cơ quan báo cũng đâm ra khó xử! Cụ Nguyễn Công Trứ viết: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”. Còn tôi, tôi xin mạn phép cụ, “cải biên”: “Kiếp sau, nếu có làm người/ Chớ làm biên tập chịu lời thị phi…”.

LÂM BÌNH THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiếp sau, nếu có làm người...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO