Vùng đông Tam Kỳ, ven bờ tây sông Trường Giang, có một nổng cát vàng như chiếc đai tự nhiên bao bọc mặt sau một ngôi làng. Vì thế người xưa đã dùng từ Kim Đái - nghĩa là đai vàng, để đặt tên làng này. Dân gian còn gọi trại tên làng thành Kim Đới.
Từ Cây Duối đến Kim Đái
Tên cũ của xứ đất này là xã Cây Duối. Trong Địa bạ Gia Long - Minh Mệnh (1814 - 1836) xã này nằm trong địa bàn của thuộc Liêm Hộ, huyện Hà Đông. Tra trong sách Phủ biên tạp lục (1776) ở địa bàn tương ứng không tìm thấy tên của xã này. Danh sách các xã thôn phường nằm trong địa bàn thuộc Hà Bạc, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa (nằm ven hai bên sông Trường Giang từ cửa Đại đến cửa An Hòa hồi nửa đầu thế kỷ 18) được ghi trong sách ấy cũng không thấy địa danh này. Có thể khi ấy, Cây Duối chưa thành một địa hiệu.
Địa bạ Gia Long - Minh Mệnh ghi giáp giới bốn bên của xã Cây Duối như sau: “Đông giáp xã Ngọc Sơn, lấy bờ ruộng và lấy sông làm giới/ Tây giáp xã An Thái (tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương) lấy bãi cát trắng làm giới/ Nam giáp xã Ngọc Sơn lấy đường làm giới/ Bắc giáp xã Phú An Đông, xã Phú An Tây lấy hàng cây làm giới” (dẫn theo bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam).
Theo tư liệu tộc Trịnh làng Kim Đới (lập năm Minh Mệnh thứ 5-1824) thì ông thủy tổ của tộc này đã từ xã Như Áng, huyện Ngọc Sơn, phủ Gia Tịnh (?), Thanh Hóa vào xứ đất Cây Duối khoảng sau năm 1624 lập nên làng Đăng (đăng: dụng cụ đánh cá - NV), sau thành xã Cây Duối, thuộc Liêm Hộ, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam. Xã Cây Duối được đổi tên thành Kim Đới từ năm 1824 cùng lúc với các làng xã mang tên nôm trong cả nước được lệnh vua Minh Mệnh đổi sang tên chữ Nho.
Đầu thế kỷ 20, Kim Đới là một trong 24 xã thuộc tổng Phú Quý Hạ, phủ Tam Kỳ. Trên bản đồ năm 1938 của người Pháp, vị trí xã Kim Đới được thể hiện với tứ cận: Đông giáp sông và thôn Quý Thượng/ Tây giáp xã Giu Ngãi (Du Nghĩa - nay thuộc xã Bình Nam huyện Thăng Bình)/ Đông giáp sông và thôn Quý Thượng/ Nam giáp xã Ngọc Mỹ/ Bắc giáp sông Trường Giang (cả ba vùng đông, nam, bắc này hiện đều thuộc địa bàn TP.Tam Kỳ).
Làng Kim Đới xưa có đình ở đầu làng, chùa ở cuối làng; có miếu thần nông và miếu thổ địa nằm giữa cánh đồng làng; trên cánh đồng này có dãy “ruộng làng” hơn 10 mẫu nằm sát bờ sông lấy hoa lợi để tế Xuân, tế Thu, cúng Kỳ yên và cúng Nguyên đán tại đình làng; có ba đám “ruộng tam bảo” gần hai mẫu nằm trên đồng Nếp thu hoa lợi dùng cho nhà chùa.
Cử nhân làng Kim Đới
Người đỗ đạt cao nhất ở làng Kim Đới vào thời phong kiến là ông Trịnh Luyện. Tư liệu gia tộc Trịnh đã ghi tiểu sử ông Trịnh Luyện như sau:
“Trịnh Ngọc Thiếc: có tên chữ là Trịnh Luyện. Ông là người làng Kim Đái, tổng Phú Quý Hạ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, là con trai thứ hai của Tú tài khoa Kỷ Mão (1879) Trịnh Ngọc Hội. Ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1912); đầu tiên, được bổ đi làm Huấn đạo tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông nổi tiếng văn hay chữ tốt, sức học uyên bác, dạy học cần mẫn nên được học trò cùng sĩ phu tại Huế mến phục. Năm Khải Định thứ 5 (1920) ông được thăng chức Kinh lịch rồi sau đó được đổi về giữ chức Đốc học Thừa Thiên.
Ngày ông Luyện rời nhiệm sở cũ đi nhận nhiệm sở mới, lúc chia tay học trò cùng sĩ tử huyện Hương Trà đã tặng thầy bức hoành phi để kỷ niệm với bốn chữ “Xuân phong mãn tọa” (ca ngợi vị trí cao đẹp của người thầy - NV). Trên tấm hoành phi, bên phải khắc dòng chữ “Khải Định ngũ niên. Xuân” bên trái có ghi dòng chữ “Hương Trà huyện: Cập môn tú tài, sĩ tử, học sinh đồng bái”. Những năm sau đó, ông được giữ chức Tế tửu Quốc tử giám...
Ông Luyện được bạn bè, đồng liêu kính phục bởi sức học uyên bác nên họ đã tặng ông bức hoành phi với ba chữ “Đẩu Cao Sơn” có ý nói ông có kiến thức như núi cao, tấm lòng với mọi người sáng rực như sao Bắc đẩu… Với những đóng góp suốt đời cho việc giáo dục… ông đã được triều đình Huế tặng thưởng hàm Tứ phẩm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh” (dẫn theo Tâm Như Trịnh Quý Chước - Lịch sử tộc Trịnh làng Kim Đái - 2010, tài liệu lưu hành trong gia tộc, trang 34, 35).
Trong tác phẩm Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân của Nguyễn Thế Anh (NXB Văn học năm 2008, ở trang 63) cho biết, ông Trịnh Luyện đã bị triều đình Huế kết án vì đã liên can đến phong trào kháng sưu chống thuế năm 1908 tại tỉnh Quảng Nam. Sách nói trên dẫn lại bản án ghi trong Châu bản triều Duy Tân như sau:
“Ngày 14 tháng 2 năm Duy Tân thứ 3 (23.2.1909)
Phủ Phụ chính đẳng thần tấu: Ngày tháng 6 năm ngoái tiếp Tổng đốc tỉnh Quảng Nam thần Hồ Đắc Trung vựng đệ bản án như sau: “Khi ấy hạt dân tỉnh ấy náo động làm bậy, thế mà Tú tài Nguyễn Tốn (quán xã Phước Thạnh, phủ Thăng Bình) và Trịnh Luyện (quán xã Kim Đới, phủ Tam Kỳ, nhà vợ ở Chợ Vạn, Tam Kỳ) đều là người trong danh sắc, lại buông lời diễn thuyết, hành vi thật sai quấy. Nay trong các viên cử nhân, tú tài có kẻ tình tội cùng bọn ấy đại lược như nhau, đều đã án nghị cách khử phẩm hàm danh sắc, vậy Nguyễn Tốn và Trịnh Luyện xin cách khử danh tịch tú tài, để khỏi bỉ thử khác nhau, tư xét… Phủ thần đẳng duyệt y, đã thương quý Khâm sứ đại thần Cờ Rô Lô phúc hợp, xin nên chuẩn hành.
Kính xin tấu lên, hậu chỉ lục biện…
(Châu bản triều Duy Tân, tập XVII, tờ 37)
Có tư liệu cho biết: sau khi bản án đưa ra, ông Trịnh Luyện chịu tù ở nhà lao Hội An, năm 1910 được tha về, sau đó được khôi phục danh tịch tú tài, được đi thi Hương trở lại và đỗ cử nhân.
Mộ ông Trịnh Luyện hiện nằm ở rừng thôn Kim Đới. Bia quốc ngữ đặt ở đầu ghi: “… Ông Trịnh Quang Thiếc, tự: Trịnh Luyện: Sinh năm Mậu Dần (1878) tại làng Kim Đới, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Con ông Tú tài Trịnh Ngọc Hội (hàm: Hàn Lâm Viện Thị Giảng) và bà Nguyễn Thị Ty (hàm: Chánh Ngũ Phẩm Nghi Nhân). Năm 1912 ông đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tý (Duy Tân năm thứ 6). Khi thi đỗ được bổ làm quan Huấn đạo tại Hương Trà Thừa Thiên sau thăng chức quan Kinh Lịch. Được phong hàm tứ phẩm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh. Ông từ trần ngày 9.3. Mậu Dần (9.4.1938) hưởng thọ 61 tuổi”.
Trên tấm bia chữ Nho đặt ở trước mộ có ghi dòng chính: “Hiển khảo Sắc thụ Triều Liệt Đại Phu, Quang Lộc Tự Thiếu Khanh, Kim Đới xã nhân chi mộ” (Đây là mộ của thân phụ chúng tôi là người xã Kim Đới được triều đình phong tặng hiệu Triều Liệt Đại Phu hàm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh). Tấm bia ghi ngày dựng là “Bảo Đại thập ngũ niên. Đông” (mùa Đông năm Bảo Đại thứ 15- 1940).