Kinh doanh thức ăn đường phố: Mạnh ai nấy bán

VIỆT NGUYỄN 30/10/2018 02:28

Kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh diễn ra tự phát, mạnh ai nấy bán, vi phạm an toàn thực phẩm. Trong khi đó, công tác tuyên truyền còn hạn chế, xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Thức ăn đường phố được bán tràn lan, khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: QUANG VIỆT
Thức ăn đường phố được bán tràn lan, khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Ảnh: QUANG VIỆT

Sai phạm khắp nơi

Ở các khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh, thức ăn đường phố được bày bán tràn lan. Khảo sát của chúng tôi ở các khu vực của TP.Tam Kỳ, các món ăn đường phố như bún, mỳ, bánh đúc, bánh rán, nem, chả, bánh bột lọc, bánh cuốn, bánh xèo được kinh doanh không đúng quy chuẩn. Người bán hầu hết không dùng găng tay, không đeo tạp dề, thậm chí bàn, ghế, tủ, kệ được bố trí rất sơ sài, côn trùng xâm nhập vào thức ăn. Chị Nguyễn Thị B. (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) - bán bánh bột lọc ở chợ Vườn Lài tỏ ra bất ngờ khi chúng tôi hỏi có bị nhắc nhở hay bị phạt khi thức ăn không được che đậy cẩn thận. “Tôi làm bánh thủ công rồi đem bán buổi sáng được hơn 100 nghìn đồng mỗi ngày, đâu có đầu tư chi nhiều đâu. Cũng đâu có ai nhắc nhở chi về an toàn thực phẩm. Nếu bị xử phạt thì chắc chắn tôi không có đủ tiền để đóng” - chị B. nói. Tại khu vực chợ Tam Kỳ, các quầy bán thức ăn đường phố có nhiều khách dù cho người bán tự nhiên dùng tay lấy thức ăn cho vào tô của khách. Bụi bẩn bay lẫn lộn vào thức ăn cũng không mấy ai bận tâm.

Mức xử phạt là vừa phải, đủ sức răn đe

Trao đổi với Báo An Ninh Thủ đô, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP) có hiệu lực từ 20.10, các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ bị xử phạt nặng hơn gần gấp đôi so với quy định trước đây. Trước băn khoăn cho rằng mức phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố là quá nặng, khó xử phạt, ông Trần Văn Châu cho biết, so với mức xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm) thì mức phạt này đối với kinh doanh thức ăn đường phố là vừa phải, đủ mức răn đe.

Riêng về việc một số quy định cụ thể trong Nghị định 115 nói chung, quy định về thức ăn đường phố nói riêng, được cho là khó xử phạt vi phạm, ông Châu cho biết, có những hành vi mà khi kiểm tra nếu phát hiện, cơ quan chức năng có thể xử phạt ngay, như: bán thức ăn không được che đậy; dùng nước rửa cáu bẩn, rửa đi rửa lại nhiều lần bát đũa, dụng cụ chế biến thức ăn, bốc thức ăn...H.Q

Tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, theo ghi nhận của chúng tôi, người trực tiếp nấu, múc thức ăn cho khách hầu như đều không sử dụng bao tay. Thậm chí, nhiều người vừa bốc thức ăn bằng tay trần vừa cầm tiền trả cho khách. Tại thị trấn Núi Thành, quanh quán bún bò ở trung tâm đô thị, chị chủ quán đon đả mời khách, nước bọt văng cả vào nồi nước nhưn. Trong khi cả hai tay đều không đeo găng, chị liên tục bóc thịt, rau cho vào tô. Khi khách trả tiền, chị này dùng tay không cầm tiền và vô tư thò tay vào hộp tiền để tìm tiền lẻ thối lại cho khách. “Thì mang tạp dề, đeo bao tay vướng víu khó chịu lắm. Cứ tự nhiên cho nhanh. Quán chị đông khách có ai phàn nàn chi đâu” - chị này nói.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP (Nghị định 115) có hiệu lực từ ngày 20.10 đã quy định nhiều nội dung liên quan đến kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng, quầy hàng sẽ bị phạt 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Trả lời chúng tôi về điều này, các chủ quán, quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố đều cho rằng chỉ mới nghe lần đầu, chưa được tuyên truyền, hướng dẫn gì.

Sẽ đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Chương trình phối hợp vận động và giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ký kết thì nội dung giám sát kinh doanh thức ăn đường phố thuộc về Hội LHPN tỉnh. Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, đã phát hiện rất nhiều trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố không đúng quy chuẩn, rất mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại ở nhắc nhở vì nội dung giám sát không bao hàm xử phạt. “Thức ăn đường phố không thể thả nổi gây nguy hại lớn cho sức khỏe người dùng. Chúng tôi khuyến cáo người dùng cẩn thận với thức ăn đường phố. Các địa phương, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết và tuân thủ các quy định về kinh doanh thức ăn đường phố. Phải xử phạt cho đủ sức răn đe khi phát hiện sai phạm. Lâu nay, công tác tuyên truyền và xử phạt còn bỏ ngỏ” - bà Thủy nói.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, lỗ hổng trong quản lý thức ăn đường phố trước hết thuộc về các địa phương cấp huyện, cấp xã. Lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh không thể quán xuyến hết loại hình này ở cơ sở và UBND tỉnh đã có phân cấp quản lý, giám sát, xử phạt cho chính quyền cấp huyện. “Nhắc nhở trước rồi xử phạt sau. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nào không tuân thủ quy định thì phải xử phạt, đưa vào nền nếp” - ông Văn nói. Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, Nghị định 115 sẽ được đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện trong thời gian đến. “Nguyên liệu chế biến thức ăn đường phố phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Xa hơn nữa, kiểm tra để loại bỏ các phụ gia không có trong danh mục cho phép dùng chế biến thức ăn đường phố” - ông Cam nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh doanh thức ăn đường phố: Mạnh ai nấy bán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO