Kinh doanh thương mại ở Hội An: Phát sinh nhiều tiêu cực

ĐỖ HUẤN 15/08/2016 09:54

Kinh doanh thương mại là lĩnh vực gắn chặt với ngành kinh tế du lịch mũi nhọn của thành phố. Thời gian gần đây do thiếu quản lý, kiểm tra nên đã xuất hiện nhiều hiện tượng không lành mạnh, gây phiền lòng du khách...

Du  lịch Hội An được du khách trong và ngoài nước biết đến một phần nhờ vào các sản phẩm hàng hóa kinh doanh thương mại của nhân dân ở các địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn. Nó phụ thuộc vào du lịch rất nhiều và có thể nói là nếu không có du khách thì buôn bán cũng ế ẩm, người bán thất thu, lỗ vốn. Thế nhưng gần đây, hoạt động kinh doanh ở khu vực nội thành mất trật tự thấy rõ, việc sắp xếp trưng bày hàng hóa trong khu phố cổ thiếu ngăn nắp, gọn gàng.

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam, trong 101 nguồn tin tiếp nhận của đơn vị sau một năm hoạt động, có 32 vụ việc du khách phàn nàn về thái độ phục vụ của các đối tượng kinh doanh buôn bán ở Hội An. Nguyên nhân chủ yếu là các chủ cửa hàng lưu niệm, các tiệm giày tại phố cổ gian lận, không thỏa thuận được giá cả và giao kèo, nhiều nơi không trả đủ tiền thừa cho khách. Về hàng rong ở phố cổ Hội An, du khách phản ánh, nhiều quán xá bày bán lấn chiếm lòng lề đường làm mất mỹ quan khu phố cổ. Tình trạng xả rác sông Hoài, chặt chém tiền giữ xe, phòng khách sạn cũng làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch Hội An. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận: “Việc quản lý hoạt động du lịch về trật tự kinh doanh ở một số địa bàn của Hội An chưa thật tốt, đặc biệt hiện nay là giá cả, chèo kéo, trật tự văn minh trong đô thị đã tác động xấu đến khách du lịch”.

Bảo đảm môi trường kinh doanh trật tự, văn minh để tạo thiện cảm và thu hút du khách. Ảnh: Đ.H
Bảo đảm môi trường kinh doanh trật tự, văn minh để tạo thiện cảm và thu hút du khách. Ảnh: Đ.H

Toàn thành phố hiện có hơn 400 hộ bán vải kèm theo dịch vụ “may nóng”, hơn 460 hộ bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, đèn lồng và đồ lưu niệm các loại. Các shop này đảm nhận việc cung ứng các mặt hàng lưu niệm cho du khách khi đến tham quan và mua sắm tại di sản phố cổ. Các cơ sở tập trung chủ yếu trong phố cổ và các tuyến đường chính như: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và khu vực lân cận với mật độ dày đặc. Các đường Phan Bội Châu, Nguyễn Duy Hiệu (thuộc phường Sơn Phong, giáp ranh phố cổ) trước đây yên bình, lặng lẽ bây giờ cũng náo nhiệt khác thường. Đường Hoàng Diệu (đoạn từ ngã tư Trần Phú đến cầu Cẩm Nam) cũng chen dày các shop hàng giày dép, vải vóc đủ loại…

Hàng may mặc, đèn lồng, giày da, túi xách ở Hội An là các mặt hàng tinh xảo và đẹp mắt, được rất nhiều du khách ưa thích, từng làm nên thương hiệu mua sắm trong nhiều năm qua. Thế nhưng gần đây đã xảy ra tình trạng làm cẩu thả, gian dối, không đảm bảo chất lượng. Đã có không ít trường hợp du khách cãi vã với chủ shop, chủ hiệu sản xuất về cách làm theo kiểu “nói một đường làm một nẻo” hoặc khiếu kiện với ngành chức năng về chất lượng sản phẩm không đảm bảo, khiến họ “tiền mất tật mang”. Sản phẩm lưu niệm thì thiếu tính đặc trưng, giá cả mỗi nơi mỗi kiểu. Tình trạng cò mồi, bu bám khách tồn tại bao lâu nay vẫn chưa có hướng xử lý, giải quyết hiệu quả. Các cửa hàng ăn uống, các điểm giữ xe thì “chặt chém” vô tội vạ, làm phiền lòng nhiều du khách gần xa…

Theo ý kiến phản ánh của du khách qua Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam, đề nghị UBND thành phố cần triển khai chấn chỉnh các loại hình hàng rong, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để hạn chế nạn cò mồi, đeo bám, chèo kéo du khách. Tất cả điểm kinh doanh du lịch cần tổ chức thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ. Thường xuyên kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá, ngăn chặn hiện tượng bán không đúng giá. Thường xuyên kiểm tra các quán bar về đêm vì mở âm thanh quá to, ảnh hưởng đến du khách và đời sống nhân dân. Sắp xếp lại các hàng bán hoa đăng, tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên tại bến xe khi quá tải…

Qua công tác giám sát, bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế xã hội HĐND thành phố cũng đề xuất: “Đa dạng sản phẩm phục vụ mua sắm, mở thêm loại hình du lịch mua sắm chất lượng cao, rà soát, sắp xếp phù hợp để phát huy hiệu quả các khu ẩm thực, quan tâm đầu tư các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách tại các điểm đến. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động cơ sở kinh doanh đạt chuẩn văn minh, giúp du khách có thể lựa chọn dịch vụ tốt, giúp thành phố có biện pháp xử lý đối với cơ sở dịch vụ du lịch phục vụ chưa tốt làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu Hội An”.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh doanh thương mại ở Hội An: Phát sinh nhiều tiêu cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO