Qua gần 8 năm thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp ở huyện Núi Thành đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận và địa phương đã rút ra được một số kinh nghiệm từ thực tế.
Làm giao thông nội đồng sau dồn điền đổi thửa ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Ảnh: V.Phin |
Nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến 2018, huyện Núi Thành đã thực hiện DĐĐT đất nông nghiệp được hơn 1.295ha tại 53 thôn thuộc 8 xã trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 17,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 5,7 tỷ đồng, ngân sách huyện 5,5 tỷ đồng, ngân sách xã và nhân dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng). Sau DĐĐT đất nông nghiệp, các xã đã cứng hóa được hơn 90km trục chính giao thông nội đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng diện tích đất nông nghiệp sau DĐĐT được xây dựng đồng bộ với hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi đầy đủ, giúp nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Theo thống kê của UBND huyện Núi Thành, sau khi DĐĐT, tổng giá trị đạt được bình quân 42 triệu đồng/ha gieo trồng, tăng hơn diện tích ngoài đại trà 7 triệu đồng/ha. Toàn huyện có 150ha sau DĐĐT được liên kết với doanh nghiệp để sản xuất giống, sản xuất nông sản hàng hóa khác; giá trị tăng thêm 16% so với không liên kết. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Thực tế ở huyện cho thấy, những cánh đồng sau DĐĐT được nông dân sản xuất đồng loạt cùng loại giống, từng bước hình thành xu thế sản xuất hàng hóa. Cũng qua DĐĐT, việc thực hiện lịch thời vụ, điều tiết nước tưới thuận lợi hơn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, qua 8 năm thực hiện DĐĐT đất nông nghiệp tại huyện Núi Thành vẫn còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động về DĐĐT trong nhân dân còn hạn chế, một số địa phương, người dân chưa đồng tình ủng hộ. Mặt khác, diện tích DĐĐT chủ yếu là trên đất lúa, chưa được thực hiện trên đất màu; giá trị gia tăng sau DĐĐT chưa cao; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, từ thực tế ở địa phương, kinh nghiệm rút ra là việc tiếp cận cơ chế, chính sách DĐĐT đất nông nghiêp cần phải nhanh chóng, công tác vận động nông dân cần sâu rộng, đưa cả hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội tham gia; tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ lợi ích trong DĐĐT đất nông nghiệp thể hiện qua việc đưa cơ giới đồng bộ với đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi giúp nông dân nhanh chóng hưởng lợi...
Thời gian tới, UBND huyện Núi Thành đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế khuyến khích thực hiện công tác DĐĐT đất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ tranh thủ vận dụng các chính sách và huy động các nguồn kinh phí để vận động nông dân tự thực hiện DĐĐT.
VĂN PHIN