Dáng người khỏe khoắn, nước da trắng trẻo nhưng ông Lương Văn Cam lại là một “kình ngư” dạn dày kinh nghiệm nơi biển cả mênh mông...
Cận tết năm nay, chúng tôi gặp Lương Văn Cam tại quê nhà của ông ở thôn Đông An, xã Tam Giang (Núi Thành), được nghe ông kể về nghề đi biển đầy sóng gió, hiểm nguy nhưng bù lại bản thân ông và những “bạn biển” đầy phấn khởi với những thành quả đạt được. Ông Cam là chủ tàu câu mực khơi QNa90039 có công suất máy 898CV. Kết thúc mùa khai thác hải sản năm 2017 với 4 chuyến biển, tàu của ông với 51 lao động đã đánh bắt được 120 tấn mực khô, doanh thu hơn 11 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông Cam thu lãi 2,7 tỷ đồng, còn những “bạn biển” đi tàu với ông người có thu nhập cao nhất là 270 triệu đồng, người ít nhất cũng là 190 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Vui - “bạn biển” tàu ông Cam chia sẻ: “Mặc dù có vất vả nhưng đi trên tàu anh Cam câu mực khơi, tôi yên tâm vì tàu trang bị đầy đủ thiết bị, chủ tàu có kinh nghiệm, đối xử tốt với anh em. Mùa biển vừa qua tôi có thu nhập khá, không những đủ để lo cho gia đình mà còn có tiền để dành...”.
Chủ tàu Lương Văn Cam tâm sự: “Mấy năm gần đây, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nghề khai thác hải sản, tạo điểu kiện cho chúng tôi ra khơi đánh bắt thuận tiện hơn. Tuy nhiên, đối mặt với biển cả mênh mông, chúng tôi gặp không ít khó khăn thách thức. Đó là việc hỗ trợ dầu cho tàu khai thác vùng biển Hoàng Sa còn nhiều bất cập. Do nhiều phương tiện đánh bắt dùng pha chụp, mắc lưới nhỏ đánh bắt hải sản làm lượng mực cạn kiệt, vùng biển gần Hoàng Sa chỉ còn lại loại mực nhỏ; tàu phải vươn khơi đánh bắt, nhưng việc hỗ trợ dầu chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Nhà nước có biện pháp ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản có tính hủy diệt như pha chụp, dùng mắc lưới nhỏ... Đồng thời có chính sách điều chỉnh chế độ hỗ trợ dầu cho tàu đánh bắt xa bờ...”. Ông Cam cũng mong muốn Nhà nước nghiên cứu hỗ trợ trang bị máy rađa cho nhóm tàu từ 5 - 6 chiếc nhằm giúp cho việc định dạng giám sát thúng, tàu lạ... qua đó, giúp ngư dân tránh được hiểm nguy khi hành nghề trên biển.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lương Văn Cam cho biết, tàu cá hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa không những giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Vì thế, Nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ cho tàu câu mực khơi thiết bị phao thúng định dạng để theo dõi, giám sát ngư dân trên biển thuận tiện hơn khi hành nghề trên vùng biển xa”. Ông Lương Văn Cam năm nay bước vào tuổi 46 nhưng đã có 25 năm hành nghề trên biển. Nhiều năm liền, tàu câu mực khơi của ông luôn đạt sản lượng khai thác cao và năm nay, tàu ông được UBND huyện Núi Thành khen thưởng về thành tích đánh bắt hải sản. Gắn bó với biển cả, vừa đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho lao động, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lương Văn Cam là “kình ngư” của xã Tam Giang.
VĂN PHIN