Kinh tế 6 tháng đầu năm 2016: Lời giải cho bài toán tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 30/06/2016 08:10

Ngân sách vượt thu, tổng vốn đầu tư phát triển đổ vào nền kinh tế gia tăng… cho thấy mục tiêu tăng trưởng 11,5% của năm 2016 không còn là chuyện khó khăn.

Vượt mức tăng trưởng

Ngày 27.6.2016, UBND tỉnh công bố GRDP đã tăng 11,7%. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng cùng kỳ và chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2016 (11,7%/11,5%) là chỉ dấu tích cực để việc đạt và vượt mức kế hoạch 11,5% không còn là chuyện khó khăn của nền kinh tế. Giá trị sản xuất các ngành đều tăng, từ sản xuất công nghiệp đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,4%, chiếm gần 33,9% cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng lớn nhất vẫn thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 92,5%. Giá trị xuất khẩu dù chỉ tăng 6% - thấp so với kế hoạch đề ra (15%), nhưng so với sự sụt giảm liên tục của cùng kỳ năm 2015 và những tháng đầu năm thì tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 267 triệu USD cũng biểu thị dấu hiệu tích cực. Nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, sản phẩm từ sắt thép, gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở mức từ 19% đến 23%. Nhập khẩu tăng hơn 35% so cùng kỳ với tổng kim ngạch 730 triệu USD, chủ yếu là linh kiện ô tô, máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu may mặc..., cho thấy các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ tiềm lực để duy trì, mở rộng sản xuất, dự báo giá trị xuất khẩu sẽ gia tăng trong những ngày tới.

Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ để gia tăng năng lực sản xuất. Ảnh: T.D
Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được ưu tiên hỗ trợ để gia tăng năng lực sản xuất. Ảnh: T.D

Nông nghiệp cũng không chịu “lép vế“ khi giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản đều tăng 3%, trừ năng suất và sản lượng lúa giảm so cùng kỳ khi chỉ đạt 51 tạ/ha, giảm 4,3% tạ/ha. Giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng, ổn định, người chăn nuôi có lãi nên người dân đã đầu tư mở rộng quy mô, phát triển mạnh tổng đàn gia súc, gia cầm và tiến hành phương thức nuôi bò bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao… Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư nói, sự lạc quan dễ dàng nhận thấy là dù tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 10.000 tỷ đồng, chỉ bằng 44,7% kế hoạch, chiếm 34% GRDP, tăng hơn 4% so cùng kỳ năm trước (chiếm nhiều nhất vốn đầu tư thuộc về khu vực ngoài nhà nước với hơn 3.900 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng hơn 2.900 tỷ đồng và vốn FDI gần 664 tỷ đồng), nhưng tất cả nguồn vốn đều tăng, đặc biệt vốn FDI thực hiện tăng khá, hơn 13% so với 4,3% cùng kỳ. Đây là cố gắng lớn trong việc thực hiện các giải pháp trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng thu ngân sách nhà nước hơn 7.650 tỷ đồng (55% dự toán), tăng hơn 20%. Thu nội địa hay thu xuất - nhập khẩu đều tăng khá cao, chính là điểm khác biệt, bảo đảm vượt dự toán thu, cung ứng nguồn lực dồi dào cho ngân sách nhà nước.

Ưu tiên hỗ trợ sản xuất

Không ít nhà quản lý cho rằng GRDP 6 tháng qua đã tăng tới 11,7% thì sẽ rất dễ dàng vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng đã ấn định cho năm 2016 là 11,5%. Tuy nhiên, các con số thống kê “tầm vĩ mô” ấy chưa thể khẳng định được điều gì khi vẫn phải thừa nhận cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn quá chậm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 15.6.2016 chỉ mới đạt 35% so với kế hoạch giao, thấp hơn 15% so với cùng kỳ (ngoài ngân sách cấp xã giải ngân 71%, còn lại ngân sách tỉnh, huyện, nguồn trái phiếu chính phủ hay chương trình hỗ trợ theo mục tiêu đều không quá 40% là một trong những mối lo ngại đáng được lưu tâm nhất. Ông Lê Phước Hoài Bảo nói, chỉ giải ngân chủ yếu cho các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng. Còn các công trình mới bị buộc phải hoàn chỉnh thủ tục quyết định đầu tư đến ngày 31.3, cần thời gian hoàn chỉnh các bước về thiết kế dự toán, kế hoạch đấu thầu nên đã chậm khởi công. Đó là chưa kể nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực, là thế mạnh của Quảng Nam những năm qua đã ngày càng ít đơn hàng và tiếp tục suy giảm, như giày da giảm 2%, linh kiện điện tử giảm hơn 18% và hàng thủy sản giảm hơn 1%... Chưa một ai có thể biết chắc các sản phẩm này có thể gia tăng xuất khẩu trong những ngày tới hay không?

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, dù chưa thể tìm được điểm cân bằng, thiếu các biện pháp kích thích nền kinh tế, nhưng có thể lạc quan để đón chờ cơ hội phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển ổn định và bền vững với hiệu quả và chất lượng cao, Quảng Nam cần dứt khoát từ bỏ mong muốn tăng trưởng bằng mọi giá, đổ thật nhiều vốn để đạt con số tăng trưởng cao nhưng kém hiệu quả và trở lại yêu cầu cơ bản của nền kinh tế là tăng năng suất lao động, đặt sự an toàn của cả nền kinh tế vào chất lượng tăng trưởng bằng chính hiệu quả của các kế hoạch điều hành kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, tăng trưởng kinh tế hay tăng thu ngân sách cao do sự đóng góp của doanh nghiệp. Vì vậy, ưu tiên số 1 trong hiện tại vẫn là việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất. Không thể để dự án đầu tư của doanh nghiệp chậm tiến độ vì sự thiếu trách nhiệm giải phóng mặt bằng của cơ quan quản lý, địa phương. Các cơ quan quản lý, địa phương cần duy trì tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với các doanh nghiệp, công bố vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất kể từ năm 2017. Không để doanh nghiệp tự mình bơi trong khó khăn. Tất cả dự án, công trình đầu tư công, tư đều phải được gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong mùa nắng, bảo đảm chất lượng công trình.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2016: Lời giải cho bài toán tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO