Nhịp độ tăng trưởng kinh tế châu Á đang chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển chưa thực sự chắc chắn.
Báo cáo “Toàn cảnh phát triển của châu Á năm 2016” của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa chính thức phát đi ngày 30.3 gây nhiều sự chú ý. Theo đó, ADB đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á năm 2016 đạt tỷ lệ 5,7%, so với tăng trưởng 5,9% của năm 2015. Shang-Jin Wei, nhà kinh tế trưởng của ADB lý giải nguyên nhân cho sự chậm lại này là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới và lớn nhất khu vực châu Á là Trung Quốc đang phát triển thấp nhất trong vòng 25 năm qua, kéo theo sự suy giảm chung cho toàn châu Á. “Nhu cầu từ các thị trường quốc tế giảm cùng với dư thừa sản lượng ở một số ngành, trong khi số lượng lao động giảm, lương tăng là một trong những nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc” - ông Wei nói. Cụ thể, tăng trưởng GDP của Trung Quốc được dự báo giảm còn 6,5% trong năm 2016, trong khi năm 2015 đạt 6,9%. Ngoài ra, kinh tế khu vực chịu tác động từ sự phục hồi không như mong muốn của nền kinh tế thế giới.
Indonesia đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: todayonline) |
Tại châu Á, Ấn Độ được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng triển vọng và nhanh nhất, đạt tỷ lệ 7,4% năm 2016 và tăng 7,8% năm 2017, so với 6,7% của năm 2015. Thành công của nền kinh tế đông dân thứ hai thế giới nhờ vào tăng trưởng khu vực công, dù xuất khẩu giảm lại đôi chút. Nhất là chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục các chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư nước ngoài. Ấn Độ hiện nằm trong danh sách là quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất thế giới. Năm 2014, Ấn Độ thu hút 34 tỷ USD nguồn vốn FDI, tăng 22% so với năm 2013, đặc biệt chiếm 83,5% tổng FDI 41,2 tỷ USD vào khu vực Nam Á, trở thành điểm sáng của nền kinh tế thế giới đang nhiều bất ổn.
Đáng chú ý, ABD ca ngợi tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc và đều đặn của khu vực Đông Nam Á. Nếu như năm 2015, tăng trưởng của khu vực đạt 4,4%, năm 2016 sẽ là 4,5%, năm 2017: 4,8%. Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực với nỗ lực tăng đầu tư hạ tầng cơ sở và thực hiện các chính sách cải cách để khuyến khích đầu tư lĩnh vực tư nhân. ADB dự báo GDP của Indonesia sẽ đạt 5,2% năm nay, từ mức 4,8% năm 2015. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm dần 6,5% trong năm 2017. Ông Aron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia (ADB) cho hay, đầu tư trực tiếp nước ngoài, niềm tin của người tiêu dùng và chính sách hỗ trợ tăng trưởng được coi là ba động lực chính của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, kinh tế Myanmar có khả năng tăng trưởng ở mức 8,4% trong năm 2016 và 8,3% trong năm tới nhờ nguồn đầu tư dồi dào hơn đổ vào.
Dù chịu nhiều áp lực nhưng kinh tế châu Á vẫn đóng góp 60% vào tỷ lệ tăng trưởng chung cho nền kinh tế toàn cầu. Để tiếp tục phát huy là khu vực đầu tàu kinh tế thế giới cũng như khôi phục tăng trưởng kinh tế khu vực, các chuyên gia của ADB kêu gọi các quốc gia châu Á thực hiện cải cách nhằm tăng năng suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng và bảo vệ nền kinh tế trước những nguy cơ bất ổn toàn cầu.
NAM VIỆT