Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ mức dự báo tỷ lệ tăng kinh tế của khu vực châu Á năm 2015.
Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2015 (Asian Development Outlook - 2015) của ADB ngày 22.9 cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của châu Á được dự báo ở mức 5,8% năm 2015 và tăng lên 6,0% vào năm 2016. Như vậy tỷ lệ tăng trưởng này thấp hơn so với dự báo của ADB trước đó ở mức 6,3% cho từng năm 2015, 2016. Dù vậy, con số tăng trưởng này vẫn cao hơn so với mức 6,2% của năm 2014. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm hơn của khu vực theo dự báo trước là tác động từ suy giảm kinh tế tại hai nền kinh tế lớn của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù kinh tế Mỹ và châu Âu đang hồi phục.
Nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Hàn Quốc đang giảm. (Ảnh: businesskorea) |
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư giảm và xuất khẩu yếu trong 8 tháng đầu năm 2015 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc khiến tỷ lệ tăng trưởng của nước này chỉ đạt 6,8% năm 2015 so với dự báo trước đó là 7,2% trong khi tăng trưởng của năm 2014 là 7,3%. Hay dù được đánh giá phát triển rất ấn tượng nhưng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đạt mức 7,4% so với mức dự báo 7,8% của lần trước. Đồng thời các nền kinh tế công nghiệp, phát triển trong khu vực đang hồi phục khá chậm. Như nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu áp lực lớn do tiêu dùng nội địa suy yếu và sự sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu. Khu vực kinh tế năng động Đông Nam Á, không tránh khỏi khó khăn khi tăng trưởng kinh tế đạt 4,4% năm 2015 trước khi tăng trở 4,9% năm 2016. Đối với khu vực Nam Á, nhịp độ tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức khá cao, lần lượt ở mức 7,3% và 7,6% trong năm 2015, 2016.
Theo Kinh tế trưởng của ADB Shang-Jin Weivans, kinh tế châu Á tiếp tục là khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông ví những áp lực lên nền kinh tế khu vực hiện nay như chính sách tiền tệ hay sự rút vốn đầu tư khỏi thị trường khu vực như những “cơn gió ngược” thổi vào kinh tế châu Á. Do đó, một trong những yếu tố then chốt để ổn định kinh tế của mỗi quốc gia, khu vực là hạn chế sự phụ thuộc vào vay mượn ngoại tệ để phòng tránh rủi ro. ADB thúc giục các nước phải chuẩn bị đối phó với khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất vào thời gian tới, tác động không nhỏ đến thị trường tài chính thế giới, trong đó có cả khu vực châu Á. Các công ty châu Á đang có các khoản nợ nước ngoài lớn có thể sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn. Do đó, khu vực hay mỗi nước cần cân bằng giữa việc ổn định tài chính và kích thích nhu cầu nội địa.
Đáng chú ý là ADB lần này nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015 lên 6,5%, cao hơn với mức dự đoán 6,1% được ADB đưa ra hồi tháng 3 năm nay trong khi chỉ tiêu tăng trưởng cho cả năm 2015 được Chính phủ Việt Nam đặt ra là 6,2%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng 6,6% cho cả năm 2016. Bên cạnh đó, ADB nhận định nợ công của Việt Nam cũng là một vấn đề lớn của năm 2015 và nhiều khả năng sẽ kéo sang năm 2016.
NAM VIỆT