Sau 16 năm, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang với kỳ vọng là khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, một trung tâm phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại cửa khẩu, kết hợp phát triển đô thị, khu cụm dân cư... theo Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC 2) vẫn còn trong dự định.
BÀI 1: ĐÌU HIU BIÊN MẬU
Thiếu nguồn lực đầu tư, thương mại song phương qua cửa khẩu Nam Giang vẫn là những thương vụ nhỏ lẻ.
Bức tranh màu xám
Chủ cửa hàng tạp hóa cửa khẩu Nguyễn Thị Hạnh, người Liên Chiểu (Đà Nẵng) sống 5 năm ở biên giới Nam Giang - Đắc Tà Óc nói bóng gió trong buổi sáng nơi quán nước cuối dốc với vài ba tài xế chờ làm thủ tục thông quan cửa khẩu rằng, chỉ ít năm nữa thôi cửa khẩu này sẽ sôi động và sầm uất.
Nhưng, trước khi giấc mơ của người vùng biên hiện thực, cửa khẩu quốc tế Nam Giang dù được xây dựng khang trang, hiện đại, có đủ cả máy soi, quét hành lý, thủ tục thông quan đều tự động hóa... đúng như một cửa khẩu quốc tế vẫn vắng ngắt.
Thượng úy biên phòng Trịnh Xuân Quỳnh gác phía cửa xuất cho biết, mỗi ngày chỉ có ít lượt khách qua biên giới. Họ mua hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm như gạo muối, thực phẩm, dầu lửa và thăm thân. Hiên Sơn (nhân viên cửa hàng xăng dầu Nam Phúc) nói có khi cả ngày không bán được lít xăng dầu nào vì không có xe ghé trạm.
Không như cửa hàng tạp hóa hay trạm xăng dầu thiếu khách hàng vẫn mở cửa, hàng ăn cô Tư đã đóng cửa trên một ngọn đồi mấy năm qua. Các nhà nghỉ kiêm mua bán hàng tạp hóa, làm thủ tục xuất nhập cảnh Thanh Cường, Thoa Dương hay Công ty TNHH Asia logistics làm dịch vụ xuất nhập khẩu... đều khóa kín cửa.
Công ty CP Thương mại biên giới Việt Lào đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục triển khai dự án, dự kiến quý I.2023 chính thức hoạt động. Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Trường Phú Xanh sau mấy năm “chờ thời”, không thấy triển vọng gì đã thông báo chấm dứt đầu tư, nộp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu dịch vụ thương mại tổng hợp Trường Phú Xanh tại tiểu khu I.
Thi thoảng những chiếc xe máy xé gió dừng đột ngột trình giấy tờ tại vọng gác biên phòng, hải quan cửa khẩu kiểm soát, qua biên giới. Không ít người dừng xe bên phía Lào, tay xách, nách mang qua làm thủ tục hải quan nhập cảnh.
Trung tá biên phòng Phạm Việt Cường nói đó là những chuyến xe chưa được cấp phép liên vận nên buộc dừng. Chỉ cho người và hàng hóa qua cửa khẩu, sẽ có xe đợi trung chuyển về xuôi.
Ông Nguyễn Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nam Giang thông tin, mấy chục năm qua, nhập khẩu vẫn là sắn lát, bã sắn khô làm thức ăn chăn nuôi, gỗ xẻ các loại và máy móc thiết bị tái nhập.
Xuất từ Quảng Nam sang gồm điện năng, bia lon, nguyên vật liệu, thiết bị điện tử, máy móc, thiết bị tạm xuất thi công các công trình thủy điện bên Lào. Trong 6 tháng qua, đã có 331 tờ khai trị giá 16,8 triệu USD, 45 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, 2.127 lượt phương tiện vận chuyển (xuất cảnh 1.140 lượt và nhập cảnh 987 lượt).
Ông Hoàng nói không khó biện giải cho tình trạng đìu hiu nơi cửa khẩu. Sau 16 năm chính thức mở cửa biên giới, Nam Giang - Đắc Tà Óc dù đã được công nhận cửa khẩu quốc gia, nhưng không được đứng vào danh sách 10 cặp cửa khẩu được phép lưu thông hàng hóa qua lại.
Doanh nghiệp không thể đưa hàng hóa lưu thông chính ngạch qua cửa khẩu này. Cư dân hai bên cửa khẩu thưa thớt, sống dựa vào tự cung, tự cấp, nhờ vào nương rẫy, chăn nuôi gia súc.
Cửa khẩu quốc tế mới chính thức được lên hạng tháng 8.2021. Thiếu doanh nghiệp đầu tư ở khu kinh tế hai bên cửa khẩu, quốc lộ 14D vẫn là đường cấp 5 miền núi nên khó thu hút đầu tư và giao thương hai bên. Biên mậu chỉ tập trung một vài cửa hàng, một số hộ buôn bán nhỏ với tỷ lệ trao đổi thấp.
Thiếu hụt hạ tầng
Giao thương yếu; đầu tư kết cấu hạ tầng cửa khẩu vẫn không khá hơn. Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang được mệnh danh là khu kinh tế tổng hợp, cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết nối Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan; trung tâm phát triển các ngành công nghiệp gắn với dịch vụ thương mại cửa khẩu, kết hợp phát triển đô thị với khu, cụm dân cư nông thôn... chơ vơ trên bãi đất trống với những con đường bê tông dọc ngang như bàn cờ.
Quảng Nam đã phân bổ hơn 204,1 tỷ đồng. Số vốn ít ỏi đó chỉ tạm đầu tư một số đường giao thông, hệ thống thoát nước, nhà công vụ khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống cấp điện, san ủi mặt bằng, cấp nước tiểu khu I, trạm kiểm soát liên hợp, quốc môn và hạ tầng thiết yếu tiểu khu I giai đoạn 2. Những công trình được đầu tư mới nhất chỉ có quốc môn (2013), hạ tầng thiết yếu tiểu khu I giai đoạn 2 (2019). Số còn lại đều đã hơn 10 năm.
Nhà công vụ khu kinh tế dựng trên một ngọn đồi, cũ kỹ và ẩm thấp. Nhà máy cấp nước (công suất thiết kế 500m3/ngày đêm) không đáp ứng nhu cầu tối thiểu cấp nước sinh hoạt cho các cơ quan chức năng hoạt động tại cửa khẩu.
Hệ thống truyền tải điện xuống cấp, chất lượng điện không ổn định, thường xuyên bị sét đánh hư hỏng. Không có hệ thống chống sét đánh thẳng tại tiểu khu I, thiếu an toàn tính mạng lẫn hệ thống máy tính, cơ sở dữ liệu kết nối mạng thông tin phục vụ việc quản lý, xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu.
Nguồn lực mới chỉ đáp ứng đầu tư hạ tầng thiết yếu tại tiểu khu I thuộc khu vực cửa khẩu biên giới. Còn các tiểu khu còn lại chưa được đầu tư. Nguyên nhân chính là sự hạn chế về nguồn lực đầu tư từ ngân sách, trong khi đó các cơ chế chính sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Kế hoạch đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu chỉ khoảng 13,1 tỷ đồng (giai đoạn 2021 – 2025), tiếp nối đầu tư hạ tầng tiểu khu I.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, rất khó để tìm thấy lợi nhuận cho đầu tư, trong khi chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với các khu vực khác, nên khu kinh tế cửa khẩu chưa thể thu hút được các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các kiến nghị từ bộ, ngành đến địa phương ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu tại các tiểu khu vẫn nằm trên giấy.
Có phải vì thiếu hụt hạ tầng mà cửa khẩu đã từng hấp dụ không biết bao nhiêu doanh nghiệp vượt đường rừng tìm đến đón đầu cơ hội ngay trong ngày khai trương, sau 23 năm, từ cửa khẩu phụ (1.4.1999) đến cửa khẩu chính (21.2.2006) đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc (quyết định ngày 22.12.2020 và ngày 14.8.2021 chính thức công bố khai trương) vẫn vắng nhà đầu tư?
Ngoài Mobifone, Viettel đã lắp đặt các trạm phát sóng, khu vực Cửa khẩu quốc tế Nam Giang (tiểu khu I) chỉ cấp được 4 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 2 quyết định thuê đất cho các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư với tổng sử dụng 34.857m2 đất và hơn 96,7 tỷ đồng vốn đăng ký.
Không ít cuộc luận bàn có nên đầu tư phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu này hay không. Đã quá nhiều năm không có thêm doanh nghiệp nào tìm thấy cơ hội đầu tư vào khu vực này.
Ông Thiều Việt Dũng – Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam nói đã xây dựng nhiều chương trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu. Nhưng quan trọng là tìm đâu ra vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế cửa khẩu đồng bộ, nhất là việc có vốn nâng cấp quốc lộ 14D nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Nam Giang.
----------------------------------
Bài cuối: Chờ ngày khai thông