Kinh tế đêm không phải là điều gì mới mẻ trên thế giới. Nhiều nơi đã coi kinh tế đêm là mũi nhọn, thúc đẩy cho ngành “công nghiệp không khói” phát triển. Và cùng với du lịch, công nghiệp văn hóa cũng mở ra nhiều cơ hội tiếp cận cộng đồng.
Ở Việt Nam, kinh tế đêm sớm hình thành và phát triển ở các đô thị lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các tuyến phố đặc trưng giải trí như Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh) đã làm nên bản sắc thị thành, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Gần hơn, Đà Nẵng có Bà Nà Hills, Quảng Nam có Hội An với các tuyến phố cổ, rồi chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh trên đảo Ký ức Hội An, đã tạo sự lan tỏa hình ảnh, thương hiệu du lịch. Không dưng mà vào ngày 14/3/2019, show Ký ức Hội An đã được công chiếu tại Quảng trường Thời Đại (Times Square) – biểu tượng của New York (Hoa Kỳ).
Rõ ràng kinh tế ban đêm thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền, rộng ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với du lịch, kinh tế đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân được du khách, đồng thời vận hành các hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”.
Kinh tế đêm nuôi sống cả lực lượng lao động khổng lồ, đặc biệt làm cho “phố không chết lạnh”. Ta cứ thử hình dung đến du lịch thành phố nào đó mà ban đêm chỉ đắp mền ngủ thì uổng phí cả… thanh xuân.
Vì thế, có chuyên gia nhận định kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Sự sôi động của kinh tế ban đêm là biểu tượng về một xã hội năng động, giàu có và phồn thịnh mà các quốc gia phát triển trên thế giới đều hướng tới.
Kinh tế đêm cho Trung Quốc thu 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm; cho Úc tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD; đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm tại Anh. Còn Việt Nam thì sao?
Để “thắp sáng” kinh tế đêm, về phía nhà nước, từ 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID diễn biến phức tạp, các địa phương trong nước, cả Hội An của Quảng Nam cũng phải “đắp mền ngủ” suốt thời gian dài. Nay thì đã khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh, phục hồi kinh tế, nối tiếp bước chân du lịch, hẳn sẽ phải toan tính thúc đẩy trở lại kinh tế đêm.
Du lịch phục hồi, cũng đồng thời góp phần cho văn hóa, giải trí phát triển song hành cùng kinh tế ban đêm. Người ta đã bàn nhiều về việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với du lịch.
Theo đó, các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác… sẽ dự phần các cuộc trải nghiệm của du khách. Giá trị các di sản của Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn, cùng các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, hò khoan… đều có thể được xiển dương thông qua du lịch, và hình ảnh thương hiệu đất và người xứ Quảng càng có dịp lung linh, lấp lánh dưới ánh sao đêm.
Đêm, nghe tiếng thở nhẹ của sương, mà thương những cuộc đời mưu sinh bằng du lịch, bằng văn hóa và nghệ thuật.
Đêm, không ngủ là đánh thức các giá trị tiềm ẩn, không chỉ về kinh tế.