Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 14.8 đã công bố số liệu cho thấy kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã có dấu hiệu chấm dứt suy thoái kéo dài hàng chục tháng qua.
Thị trường tiêu dùng tại Eurozone đã tăng trở lại. (Ảnh: ft.com) |
Theo Eurostat, kinh tế Eurozone quý II.2013 đã tăng trưởng 0,3% so với quý trước. Các hoạt động kinh tế, niềm tin doanh nghiệp của người tiêu dùng châu Âu đang cải thiện. Dấu hiệu phục hồi được thấy rõ nét qua các nền kinh tế vốn đóng vai trò quan trọng, tác động mạnh đến kinh tế của Eurozone. Tại Đức - “đầu tàu” kinh tế châu Âu trong quý II.2013 đã tăng 0,7% nhờ vào sức tăng mạnh từ nhu cầu nội địa; bao gồm chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu công, đầu tư, xuất khẩu. Đà hồi phục này đã kéo Eurozone ra khỏi suy thoái trong quý II.2013.
Trong khi đó, Pháp bất ngờ thoát khỏi suy thoái với mức tăng trưởng 0,5% trong quý II này, vượt xa kỳ vọng tăng 0,2% cũng nhờ xuất khẩu, nhu cầu chi tiêu của gia đình và chi tiêu công tăng. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ đầu năm 2011 khi châu Âu vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công. Hay như Bồ Đào Nha, một trong những nước nhận cứu trợ từ Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã có được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất với mức 1,1%. Cũng trong quý II năm 2013, một nền kinh tế khác thuộc Liên minh châu Âu là Anh đã tăng trưởng 0,6%. Lần đầu tiên trong gần 3 năm qua ở Anh, tất cả các ngành kinh tế chủ chốt, từ nông nghiệp, xây dựng, sản xuất công nghiệp đến dịch vụ đều tăng ấn tượng. Nền kinh tế của Cộng hòa Séc cũng thoát khỏi suy thoái trong quý II này, cùng với các nền kinh tế khác lớn hơn tại Đông Âu đạt tăng trưởng trở lại như Ba Lan tăng 0,4% và Hungary tăng 0,1%.
Theo các chuyên gia kinh tế châu Âu, việc giảm chương trình khắc khổ đã giúp nền kinh tế dịch chuyển từ trạng thái suy giảm nhẹ sang tăng trưởng nhẹ. Đây là những dấu hiệu khởi sắc cho khu vực để ngày càng tạo ra nhiều việc làm, góp phần đưa kinh tế Eurozone ra khỏi đám mây đen suy thoái trong một thời gian dài. Sự tăng trưởng trở lại trong khu vực Eurozone và các nước khác tại khu vực châu Âu có thể đem lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu nói chung. Bởi khu vực này được kể đến là nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước cả Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có GDP lớn nhất hiện nay.
Mặc dù đón nhận những dấu hiệu lạc quan này từ Eurostat nhưng các chuyên gia kinh tế khu vực Eurozon cũng tỏ ra thận trọng vì cuộc suy thoái này có thể chưa hoàn toàn khép lại khi hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của Eurozone là Italy và Tây Ban Nha lần lượt giảm 0,2% và 0,1%. Nền kinh tế Hà Lan cũng tiếp tục giảm với mức tăng trưởng 0,2% trong quý II vừa qua. Thêm vào đó, hiện tỷ lệ thất nghiệp bình quân của khu vực châu Âu, trong đó có Eurozone vẫn ở mức “cao không thể chấp nhận được”, với 12,2%. Do đó, để nền kinh tế khu vực thật sự đứng dậy bền vững, không rơi vào những lần suy thoái tiếp theo, các nhà lãnh đạo của châu Âu còn rất nhiều việc phải làm.
KIM OANH (theo Eurostat)