Sau gần 3 năm triển khai, mô hình kinh tế gia trại của nhiều hộ dân xã Ga Ry (Tây Giang) đã mang lại hiệu quả, mở ra hướng mới trong việc phát triển kinh tế của địa phương.
Chăn nuôi theo mô hình kinh tế gia trại, đàn bò của nhóm hộ anh Zơ Râm Nhâl phát triển nhanh hơn so với cách nuôi truyền thống. Ảnh: H.G |
Tháng 10.2010, nhận được 30 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn 135 (giai đoạn 2), anh Zơ Râm Nhâl (thôn Arooih, xã Ga Ry) cùng hai hộ khác trong thôn góp thêm ít vốn làm chuồng trại, rào khu đồi cỏ có diện tích khoảng 6ha ở trong thôn rồi góp 4 con bò để thả nuôi. Mỗi tuần một lần, hộ anh Nhâl có trách nhiệm đi thăm nom, kiểm tra và cho đàn bò ăn thêm muối để đủ chất. Đến nay, đàn bò của nhóm hộ anh Nhâl đã phát triển được 11 con mập mạp, to khỏe, không xảy ra dịch bệnh. Đây là một trong những mô hình kinh tế gia trại được triển khai thí điểm tại địa phương và đạt hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. “Ngày trước gia đình mình nuôi bò theo kiểu chăn dắt nhỏ lẻ, thường xuyên phải cột nên bò phát triển chậm, thường bị quấn dây vào cổ mà chết ngạt nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại, được cán bộ nông nghiệp tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò phát triển nhanh. Nhóm hộ của mình dự định mở rộng chuồng trại chăn nuôi, phát triển thêm đàn bò” - Zơ Râm Nhâl phấn khởi cho biết.
Nhiều nhóm hộ khác tại các thôn Arooih, Ating của xã cũng đang thành công với mô hình kinh tế này, như nhóm hộ của anh Ríah Nhíp đã phát triển được 9 con trâu, 9 con bò; Ríah Mơ với đàn bò 11 con… Với giá trị kinh tế như hiện nay thì các nhóm hộ đang có khối tài sản không nhỏ. Theo anh Ríah Mơ, chăn nuôi bò theo mô hình gia trại là nuôi theo hình thức tập trung, tốn ít công chăm sóc, người nuôi tranh thủ được thời gian làm lúa nước, nương rẫy hoặc làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Việc chăn nuôi thực hiện ở xa khu dân cư nên không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. “Đặc biệt, mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông, không chuồng trại của người dân bản địa. Giờ đây, chúng tôi luôn chăm lo làm chuồng trại để đàn bò tránh trú gió mưa, biết chăm sóc, thực hiện đúng các quy trình phòng ngừa dịch bệnh do cán bộ thú y truyền đạt” - Ríah Mơ chia sẻ.
Ông Trịnh Minh Chúc - cán bộ tăng cường về giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry cho biết, hiện nay đã có 5 mô hình kinh tế gia trại được Nhà nước xét hỗ trợ vốn và bước đầu hoạt động hiệu quả; 9 mô hình còn lại đang được hướng dẫn các thủ tục để được hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất. Từ khi được giao làm chủ đầu tư nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135 (giai đoạn 2), chính quyền xã đã chú trọng nghiên cứu tình hình thực tế sản xuất của bà con địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ tư liệu sản xuất phù hợp. “Qua nghiên cứu, khảo sát chúng tôi nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng của xứ núi này rất hợp cho chăn nuôi trâu, bò, dê. Nhưng để chăn nuôi có hiệu quả, không thất thoát nguồn vốn hỗ trợ thì phải gắn trách nhiệm của các hộ lại với nhau, do đó mô hình kinh tế gia trại ra đời. Hiệu quả bước đầu của mô hình kinh tế này đã mở ra hướng mới trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng thổ nhưỡng, giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - ông Chúc nói.
HÀN GIANG - MINH HẢI