Kinh tế Nga đối mặt với áp lực

AN XUYÊN 03/02/2015 10:28

Tuy đã thông qua các kế hoạch chống khủng hoảng với các phương án dự báo phát triển vĩ mô, kinh tế nước Nga vẫn đang đối mặt với rất nhiều áp lực.

Đầu tháng 2.2015, làn sóng sa thải công nhân ồ ạt diễn ra ở các công ty tại đất nước này. Hiện tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Nga là trên 5%. Ngày 29.1, một công ty con của hãng bia Carlsberg tại Nga thông báo đóng cửa nhà máy. Hãng sản xuất xe hơi của Pháp Renault cũng dự tính sa thải 1.400 nhân công tại Nga trong thời gian tới. Khủng hoảng, trừng phạt của phương Tây và giá dầu thô giảm đã bắt đầu tác động đến kinh tế Nga. Các chỉ số của kinh tế Nga gần đây đáng lo ngại: đồng ruble trượt giá mạnh, lạm phát tiếp tục gia tăng, tiêu thụ giảm, lãi suất cơ bản ở mức cao (15%) nên khó mà trả hết nợ và đảm bảo chi tiêu. Đó là chưa kể đến các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường vốn.

Nhà xã hội học Petr Biziokov nói rằng tình hình tại Nga khác hẳn so với những nơi khác. Trước tiên, tiền đền bù thất nghiệp thấp, khoảng 5.000 ruble/tháng (dưới 70 euro/tháng). Hơn nữa, mối quan hệ trong công việc chưa bình đẳng, nhân viên phụ thuộc nhiều vào chủ, làm những gì chủ muốn. Đó là chưa kể đến những người nhập cư, tình cảnh của họ còn tồi tệ hơn.

Công chức Nga năm 2015 không được tăng lương vì kinh tế suy thoái.(Nguồn ảnh: AFP)
Công chức Nga năm 2015 không được tăng lương vì kinh tế suy thoái.(Nguồn ảnh: AFP)

Trong tình cảnh như trên, đầu tư vào Nga giảm 21,8%, doanh thu bán lẻ giảm 9,6%, lượng vốn ròng chảy khỏi nước này là 135 tỷ USD. Các nhà kinh tế Trường Kinh tế cao cấp Nga nhận định: “Theo tính toán của chúng tôi, kể cả khi chi 75% Quỹ Phúc lợi quốc gia vào kinh tế, tình hình không thể dịu bớt cho tới cuối năm 2017 và đầu tư tiếp tục giảm sút. Trong trường hợp giá dầu thấp hơn, hiệu quả dự trữ còn tác động mạnh hơn”.

Với kịch bản giá dầu 50USD/thùng, mức lương thực tế của người Nga sẽ giảm tới 10,3% và nền kinh tế tiếp tục suy thoái trong giai đoạn 2016-2017. Các chuyên gia nhận định: “Năm 2016, tốc độ suy thoái sẽ chậm lại còn 4 - 5%, và năm 2017 hầu như chấm dứt, chủ yếu nhờ hiệu ứng tích cực tạm thời của dự trữ. Tổng cộng trong 3 năm, kinh tế Nga sẽ giảm 10 - 12% và sẽ rơi gần xuống mức đáy khủng hoảng năm 2009”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov thông báo Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch chống khủng hoảng, theo đó sẽ “đóng băng” mức chi tiêu của chính phủ và đưa ngân sách trở lại thặng dư vào năm 2017, và chuẩn bị cho các cải cách cơ cấu, nhờ đó không sử dụng một cách thiếu thận trọng nguồn dự trữ quốc gia. Dòng vốn bị rút khỏi Nga đã tăng vọt từ mức trung bình 57 tỷ USD/năm trong suốt những năm 2009 đến 2013, lên 152 tỷ USD vào năm 2014. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã giảm xuống dưới 400 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 8.2009.

Theo Ngân hàng Đầu tư Sberbank CIB có trụ sở tại Moskva, phản ứng dài hạn của thị trường đối với việc Nga bị hạ bậc tín nhiệm phụ thuộc phần nhiều vào các cơ quan xếp hạng kinh tế trên thị trường thế giới. Bởi nhiều quỹ đầu tư toàn cầu sẽ không nắm giữ loại trái phiếu mà các cơ quan này xếp ở dạng không nên đầu tư.

AN XUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Nga đối mặt với áp lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO