Tín dụng tăng trưởng thấp, lượng hàng tồn kho giảm không đáng kể, thu nội địa chưa đạt tiến độ... là những nhận định được đưa ra tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 10.2017. Phiên họp diễn ra hôm qua 1.11, do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì với sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Các ngành chế biến chế tạo vẫn đang gặp khó khăn khiến thu ngân sách địa phương chưa thể đạt tiến độ. Ảnh: T.D |
Những điểm sáng
Điểm sáng đầu tiên được công bố là chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng hơn 28% so với tháng 9.2017. Các ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xử lý rác, khai khoáng đều tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm gần 5% so với cùng kỳ bởi phụ thuộc vào ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhưng đã sụt giảm gần 9%, kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm. Chỉ số tiêu thụ ngành ô tô sau nhiều tháng giảm mạnh đã bắt đầu tăng trở lại (tăng 45,7%). Lý do được đưa ra là nhà sản xuất liên tục giảm giá, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người mua cộng với lực đẩy của thị trường ô tô thường có nhu cầu tăng cao vào những tháng cuối năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng hầu hết các ngành. Cụ thể, dịch vụ tăng 27,8%, du lịch lữ hành tăng 21,5%, lưu trú và ăn uống tăng 16,6% và thương nghiệp tăng hơn 11%. Tổng số thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 10 ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng (khoảng 75% dự toán). Số thu nội địa đã gia tăng đến 11.638 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn cho hay, số thu nội địa đã có sự cải thiện đáng kể, bù được phần lớn khoản hụt thu từ ô tô. Kết quả này nhờ việc nỗ lực trong triển khai đồng loạt các giải pháp rà soát, tăng cường quản lý thu thuế với các đơn vị hạch toán phụ thuộc và thuế xây dựng vãng lai.
Dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 đã có sự thay đổi khi tăng gần 3% so với tháng trước, tăng 14,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2016 khi bình quân 10 tháng tăng đến 23%. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, nhất là giảm mạnh ở dư nợ ngắn hạn. Song Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cũng lạc quan cho rằng theo chu kỳ vay vốn, thông thường những tháng cuối năm, khả năng nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sẽ tăng cao. Không có gì đáng để lo ngại nền kinh tế thiếu hụt nguồn cung.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Thu nội địa chưa cao cho thấy nền kinh tế Quảng Nam vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Theo thống kê từ Cục Thuế, phần lớn các khoản thu đều chưa đạt tiến độ thu và dự toán giao. Khu vực doanh nghiệp FDI mới chỉ đạt 59,6% dự toán, thấp hơn tiến độ thu gần 24% và thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 67% dự toán, thấp hơn tiến độ thu 16,3%... Khá nhiều ngành sản xuất đang phải đối diện áp lực cạnh tranh của thị trường và sự điều chỉnh của các chính sách kinh tế vĩ mô…, không thể có được sự tăng trưởng như dự định. Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn cho rằng con số thu nội địa hiện đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nếu giữ nguyên tiến độ này thì khả năng chỉ hụt thu khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài việc rà soát nguồn thu, kiểm soát được các đơn vị, chi nhánh văn phòng hoạt động tại Quảng Nam, rất cần nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thiết lập lại quản lý đối với 733 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, không nộp nghĩa vụ tại địa phương.
Trong một diễn biến khác, dù sản lượng lúa ngành nông nghiệp tăng 19,4 nghìn tấn, nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi chậm. Cho dù hiện nay là thời gian chuẩn bị nguồn thực phẩm cho thị trường tết nhưng do giá cả ở mức thấp nên tổng đàn không tăng mà lại có xu hướng giảm. Một vấn đề được luận bàn nhiều nhất, cũng là điều thường xuyên xảy ra trong nhiều năm không gỡ nổi là việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, vướng mắc từ nhiều phía. Nhiều dự án từ nguồn ngân sách địa phương chưa đảm bảo thủ tục để giao vốn, một số nguồn vốn đã được giao từ đầu năm theo kế hoạch nhưng chưa phát sinh nhu cầu, nhất là các dự án đầu tư theo chương trình, nghị quyết của HĐND tỉnh. Những thống kê kể trên đã làm chậm tiến độ thực hiện dự án và tỷ lệ giải ngân, khi tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2017 mới chỉ đạt 59,5%.
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc niên độ tài chính năm 2017. Không còn nhiều thời gian để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các ngành, địa phương nhanh chóng giải quyết những vướng mắc. Không còn thời gian để trì hoãn việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả cơ quan quản lý, địa phương cần phối hợp, hỗ trợ công tác quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, kiên trì chống gian lận, trốn thuế, thất thu nợ đọng thuế… Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thi công. Hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình, bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn (kể cả vốn năm 2016 được phép kéo dài). Kiểm soát, tuyệt đối không để phát sinh nợ, hoàn ứng kịp thời. Phát triển kinh tế phải gắn liền với quản lý hiện trạng, nhất là khu vực vùng đông. Các chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói thu ngân sách có cải thiện cho thấy nỗ lực chung của Quảng Nam. Vấn đề cần lưu tâm là phải nghiên cứu quản lý nguồn lực đất đai, đưa vào quản lý, quy hoạch lâu dài, có tầm nhìn dài hạn hơn. Con số thu ngân sách nội địa đã ấn định 14.150 tỷ đồng cần tính toán để hoàn thành và tính toán giải pháp tìm nguồn thu cho năm sau khi dự toán đã giao là 15.470 tỷ đồng.
TRỊNH DŨNG