Kinh tế Quảng Nam năm 2013: Khó khăn còn nhiều

11/12/2012 01:07

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Quảng Nam năm 2012 chỉ đạt 11,2%, thấp hơn kế hoạch, nhưng  vẫn được xem là con số khả quan trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Tuy nhiên, dự báo năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.

alt
Hàng tồn kho lớn đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2012. Ảnh: T.DŨNG

Tốc độ tăng trưởng GDP gấp đôi cả nước

Báo cáo của Sở KH&ĐT cho thấy, đến cuối năm 2012, thu nội địa chỉ khoảng 3.650 tỷ đồng, bằng gần 76% kế hoạch. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 13.700 tỷ đồng, chiếm hơn 35% so với GDP, bằng 95% kế hoạch, thấp hơn năm 2011 khoảng 5%. Tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt 97,6% kế hoạch năm. Sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn, có giá trị tăng cao là sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng gần 67%, riêng giày da Rieker tăng gấp 2 lần. Con số này tăng 17,3% so với năm 2011, nhưng lại thấp hơn mức tăng của năm 2011 đến 6,7% và ngành sản xuất, lắp ráp ô tô lại giảm giá trị đến 30% so với năm 2011. 

Trên bình diện chung của nền kinh tế địa phương, khu vực dịch vụ lại có tăng trưởng khá đều. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trên 28%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú 2,8 triệu lượt, bằng 102% kế hoạch, tăng gần 13% so năm 2011. Xuất khẩu đạt 495 triệu USD, vượt 25% so với chỉ tiêu kế hoạch, tăng 17,5% so với năm 2011, chủ yếu là tăng ở mặt hàng giày da và vàng. Giá trị sản xuất nông nghiệp gần 3.100 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2011. Sản xuất nông nghiệp được mùa, sản lượng tăng cao nhất từ trước đến nay; tổng sản lượng lương thực trên 500.000 tấn, vượt trên 3,5% kế hoạch năm, tăng trên 32.000 tấn so với năm 2011 (khoảng 6,8%). Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên 82.000 tấn, tăng 8,6%... 

Chính quyền và các cơ quan quản lý thừa nhận, tăng trưởng kinh tế đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể là lãi suất tín dụng vẫn còn quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nợ xấu gia tăng, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn, hàng tồn kho lớn, thu nội địa không đạt dự toán năm và tỷ lệ huy động vốn đầu tư thấp, thiếu nguồn vốn cho các công trình trọng điểm… Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, 10/14 chỉ tiêu kế hoạch như giá trị xuất khẩu, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng đạt và vượt, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, khẳng định vai trò quan trọng trong ổn định và phát triển... là thành công của nỗ lực điều hành chính sách tại Quảng Nam.

Đằng sau những con số

Vẫn còn 4/14 chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thu nội địa, huy động vốn đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm không đạt kế hoạch, chứng tỏ khó khăn của nền kinh tế vẫn còn nhiều. Đằng sau những con số đó có nhiều điều đáng lo. Các chi phí đầu vào gia tăng, rất nhiều ngành công nghiệp không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí, thậm chí còn phải giảm giá mạnh, dù lỗ nặng với hy vọng tạm thời có thể duy trì sản xuất và giải phóng được hàng tồn kho. Ngay trong nhóm hàng lương thực - thực phẩm, nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa để tính chỉ số giá, hầu hết sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều giảm mạnh và thu nhập của nông dân bị thiệt hại nặng nề. Còn về xuất khẩu, nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng thì có thể xem đó là kết quả khả quan, nhưng nếu tách riêng nhóm DN FDI khi chiếm đến 66% tổng giá trị xuất khẩu thì con số xuất khẩu của DN nội địa sẽ rất thấp. Điều này cho thấy DN nội địa vẫn còn nhỏ, vốn ít, làm ăn không bảo đảm, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm.

alt
Giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất sẽ tiếp tục là giải pháp quan trọng trong năm tới. Ảnh: T.DŨNG

Không khó để lý giải cho sự sụt giảm này khi nhìn vào con số DN phá sản hay tạm dừng hoạt động trong năm 2012. Chỉ số hàng tồn kho giảm, sản xuất công nghiệp có tăng trở lại trong những tháng gần đây, nhưng số đông DN vẫn chưa thể hồi phục. Đại diện một  DN sản xuất gạch ở Tam Lộc (Phú Ninh) cho biết, hàng tồn kho quá nhiều nên không dám sản xuất. Trong khi đó, dù phải hạ giá bán, bán hàng dưới giá thành để mong duy trì dòng tiền, cứu thanh khoản và giảm sức ép nợ nần, thậm chí giá hạ cũng không mấy người mua... Có DN nói hiệu quả sử dụng vốn của DN đã giảm mạnh, hàng hóa sản xuất ra bán không được nên dù có vay được vốn rẻ thì chi phí tài chính cũng đã cao gấp nhiều lần trước đây.  Có thể hiểu rằng, nội lực của DN như một quả bóng xì hơi, rất cần sự  tiếp sức của Nhà nước. Đó là dự kiểm soát tốt các nguy cơ bất ổn vĩ mô, khôi phục sức mua của thị trường hoặc giúp DN giảm chi phí cùng các hỗ trợ khác.

Để bảo đảm tăng trưởng cao trong năm tới, các cơ quan quản lý, cộng đồng DN cần phải nỗ lực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT, cần đánh giá một cách cụ thể sản xuất, xác định số lượng hàng tồn kho, đưa ra sản phẩm mới… thì mới thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 11,5% cho năm 2013 là hợp lý. Vấn đề quan trọng vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ vốn, hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho, thuế, chi phí và tập trung các biện pháp ổn định phát triển nông nghiệp, nông thôn và miền núi.  Nếu DN không phát triển thì kết quả chống lạm phát sẽ rất mong manh và hy vọng về sự ổn định có tính căn cơ lâu dài về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách hay tăng trưởng lao động... sẽ khó đạt được.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Quảng Nam năm 2013: Khó khăn còn nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO