Kinh tế Quảng Nam năm 2020: Hướng đến chất lượng tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 17/12/2019 10:48

Kế hoạch Quảng Nam năm 2020 sẽ đạt tăng trưởng GRDP từ 7 - 7,3% liệu có khả thi khi năng lực doanh nghiệp và nền kinh tế đang có xu hướng giảm? Đây là vấn đề được quan tâm tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX khai mạc vào hôm qua 16.12. 

Sản xuất và buôn bán ô tô suy giảm đã kéo theo sụt giảm cả nền kinh tế Quảng Nam. Ảnh:T.D
Sản xuất và buôn bán ô tô suy giảm đã kéo theo sụt giảm cả nền kinh tế Quảng Nam. Ảnh:T.D

GRDP không đạt

Theo công bố của UBND tỉnh, kết thúc năm 2019 có 13/14 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, GRDP chỉ tăng khoảng 3,81% so với năm 2018, thấp hơn so với kế hoạch đề ra (7  - 7,5%). Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay, mức tăng trưởng thấp do ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tăng trưởng thấp, ngành sản xuất và phân phối điện giảm sâu, sản xuất nông nghiệp giảm sản lượng lương thực và ảnh hưởng dịch bệnh, ngành xây dựng giảm khối lượng công trình xây dựng và doanh thu từ ô tô giảm mạnh. Đây là mức tăng thấp nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực. Tuy nhiên, dù mức tăng trưởng cả năm không cao nhưng giá trị tuyệt đối 1% tăng trưởng của Quảng Nam đạt 586 tỷ đồng và quy mô GRDP chỉ thấp hơn Đà Nẵng 61 tỷ đồng. Còn lại đều hơn các tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung.

Theo phân tích của ông Lê Quý Đạt, tăng trưởng kinh tế Quảng Nam không đạt như kỳ vọng do giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (55%) bị ảnh hưởng kép từ trồng trọt đến chăn nuôi nên đã giảm hơn 1,7%. Khai khoáng tăng 39,1%, cung cấp nước và xử lý nước thải tăng 22%, hai ngành này tăng trưởng cao nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ nên tác động đến tăng trưởng chung không đáng kể (2,5% và 1,2% toàn ngành công nghiệp). Hai ngành chính là chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện chiếm tỷ trọng lớn (hơn 96%) giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp, nhưng sản xuất đạt mức tăng trưởng thấp, thậm chí tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo (chiếm 79%) chỉ tăng 4,5%. Chỉ tính riêng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (chiếm 32% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp và 41% ngành chế biến, chế tạo) nhưng chỉ tăng 2%. Sản lượng ô tô sản xuất năm 2019 dự kiến chỉ tăng 3%.

 

Không chỉ vậy, một số ngành chủ lực của công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, thậm chí tụt giảm so với năm trước. Ngoài ra, giá trị gia tăng ngành xây dựng và dịch vụ tăng trưởng không cao so với các năm trước. Các công trình xây dựng lớn trên địa bàn đã hoàn thiện. Các công trình còn lại đang trong quá trình chuyển tiếp với khối lượng xây dựng không lớn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư nhà nước chậm. Doanh thu ngành bán buôn ô tô chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ (27%), chiếm gần 48% doanh thu ngành bán, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các động cơ khác, nhưng doanh thu ngành này sụt giảm mạnh so năm 2018 (giảm 4,7%)...

Cần xác định động lực tăng trưởng

Kế hoạch năm 2020, GRDP Quảng Nam sẽ tăng khoảng 7 - 7,3% (cao hơn cả nước 0,4%), tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm hơn 30,2% GRDP (thấp hơn cả nước 2,8 - 3,8%) và thu nội địa tăng hơn 10,7% năm 2019. Kế hoạch đặt ra đã được tính toán trên nhiều cơ sở, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn khi GRDP năm 2019 chỉ tăng khoảng 3,81% so với năm 2018, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra (7 - 7,5%) thì liệu có thể đạt được trong năm 2020 hay không khi ngành công nghiệp vẫn đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, hiện nhiều doanh nghiệp loay hoay chống đỡ trước nguy cơ phá sản. Sức ép cạnh tranh kinh tế thế giới và hội nhập sẽ khiến doanh nghiệp, thị trường Quảng Nam không dễ lường định cho mục tiêu đầu tư trong tương lai. Chính sách thuế ô tô sẽ thay đổi, chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức đặt câu hỏi: Vì sao tổng vốn đầu tư xã hội chiếm khoảng 32,1% GRDP nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP khá thấp? Cần một phân tích chỉ tiêu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, những yếu tố tác động GRDP đạt thấp ở từng ngành, lĩnh vực, chất lượng tăng trưởng của các ngành kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, khu vực công nghiệp ngoài ô tô, khu vực thương mại, dịch vụ, tình hình đầu tư, hoạt động các doanh nghiệp FDI... để có cơ sở định hướng phát triển, đề xuất chỉ tiêu, giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và những năm tiếp theo cho phù hợp.

Theo ông Đức, GRDP bình quân đầu người năm 2019 quá thấp. Vẫn còn khoảng cách quá xa với chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020. Một khi đưa ra GRDP tăng khoảng 7 - 7,3% so với năm 2019 (cả nước tăng 6,6 - 6,8%) thì dựa vào đâu để dự báo tính khả thi. Cần một phân tích cụ thể tính khả thi các lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng GRDP năm 2020, bảo đảm phù hợp với thực trạng các ngành, xác định lợi thế của từng địa phương. Áp lực đặt ra năm 2020 phải đạt mức tăng trưởng khá cao mới có thể hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 khi tốc độ tăng bình quân 10 - 10,5%.

GRDP không có ý nghĩa nhiều với nền kinh tế. Tăng trưởng vẫn dựa vào vốn. Chất lượng cuộc sống người dân là tiêu chí định đoạt cho tăng trưởng kinh tế địa phương, chứ không phải GRDP nhiều hay ít. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê nói, nếu không có những yếu tố đột biến, phải cần có thêm nhiều năng lực doanh nghiệp lớn mới có thể có thêm động lực tăng trưởng.

Cần nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều đại biểu đã tập trung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh phải hết sức phấn đấu để đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7 - 7,3% bằng những giải pháp hết sức căn cơ, hiệu quả.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phân tích, khả năng nguồn thu từ ô tô sẽ tiếp tục giảm do cạnh tranh của thị trường; trong khi đó, nguồn thu từ thủy điện vẫn không khả quan khi các hồ chứa đang ở mực nước chết, nguy cơ khủng hoảng về nước tưới đang hiện diện rõ. Các ngành công nghiệp khác vẫn còn nhỏ lẻ, còn nguồn thu từ nhà máy bia đã kịch trần. Ông Thẩm nêu ra thực tế là việc đầu tư công hiện nay chưa được trọng điểm, chưa đúng, chưa trúng, nguồn lực đầu tư đã yếu lại bị phân tán nên chưa phát huy hết giá trị nguồn vốn đầu tư. Để thúc đẩy tăng trưởng, tỉnh cần siết chặt nguồn đầu tư, tính toán hợp lý đối với từng dự án đầu tư công cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc đầu tư cho nông nghiệp lâu nay phần lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, thực chất đầu tư cho khoa học công nghệ, hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, chế biến sau sản xuất chưa được quan tâm. Theo ông Thẩm, dư địa phát triển nông nghiệp còn rất lớn, cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức lĩnh vực này để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nhìn nhận, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2019 tăng khoảng 3,81% là quá thấp, chưa bao giờ tỉnh đối mặt với con số đạt thấp như vậy và nó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung của năm 2020. Bức tranh kinh tế của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn khi nông nghiệp xảy ra dịch bệnh trên gia súc, công nghiệp đang loay hoay với quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp; trong khi đó, từ đầu năm đến nay không có dự án khởi công, khánh thành chứng tỏ ở lĩnh vực này không có sự phát triển. Theo ông Quang, trên lĩnh vực thu hút đầu tư, năm 2019, Tam Kỳ chỉ có con số không, hàng chục nhà đầu tư tìm tới địa phương nhưng rồi ra đi vì trình tự thủ tục đầu tư công còn phức tạp, việc giải phóng mặt bằng và xác định giá bồi thường tái định cư rất khó khăn. Tỉnh ủy đã có Nghị quyết 08 về phát triển du lịch, đây là nghị quyết rất đúng nhưng phát triển du lịch phía nam còn chệch choạc chưa có sự liên kết, mạnh địa phương nào nấy làm chưa có sự kết nối để khai thác tiềm năng. “Chỉ tiêu tăng trưởng 7 - 7,3% vào năm 2020 dự báo sẽ khó đạt nhưng phải làm, và để đạt được, tỉnh cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng các cơ chế, trình tự thủ tục để thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư ổn định đời sống nhân dân” - ông Quang bày tỏ.(N.ĐOAN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Quảng Nam năm 2020: Hướng đến chất lượng tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO