Bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Nam đang dần khởi sắc - phản ánh qua các chỉ số được Tổng cục Thống kê công bố trong quý 1.2022, cho thấy khả năng thích ứng với trạng thái “bình thường mới” của toàn xã hội để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra ngày 21.4, Thường trực HĐND tỉnh đánh giá, Quảng Nam đã chủ động có biện pháp phù hợp phòng chống dịch bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, từng bước “bình thường hóa”, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh. Đến nay, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang dần phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Làm rõ thêm đánh giá này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm khá cao so với các địa phương khác trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 11,24% trong quý 1 theo con số công bố của Tổng cục Thống kê và xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh (khóa X) diễn ra ngày 21.4, hai đề án nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là đề án tu bổ, tôn tạo di tích và đề án quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn cho học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Cụ thể: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,09%; riêng ngành công nghiệp tăng 15,62%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 3 tăng 22,5% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 20,01%.
Chỉ số tồn kho vốn là vấn đề rất khó khăn của năm 2021, cũng đã được giải quyết một phần khi đã giảm 23,4% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 6,6%. Lĩnh vực thương mại – dịch vụ dần phục hồi, với tốc độ tăng trưởng đạt 3,3% so với cùng kỳ.
“Có được kết quả này, là nhờ chúng ta giữ vững được đà tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 gắn với làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và thị trường khởi sắc trở lại.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 69.660 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 1,17% so với đầu năm và tăng 10,69% so với cùng kỳ cho thấy các doanh nghiệp đã phục hồi phát triển tốt” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận.
Trong 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.954 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ, dẫn đầu các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đây là số thu rất ấn tượng. Nếu tính cả số thu của tháng 4 này (đã thu 2.500 tỷ đồng), thì đến nay, tổng số thu ngân sách đã đạt 45% dự toán HĐND tỉnh giao, góp phần vào khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2022.
“Thu ngân sách đạt tốt, nhưng chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về thu ngân sách nhằm đảm bảo cho việc hoàn thành nhiệm vụ thu của năm. Toàn tỉnh khẩn trương thực hiện quy hoạch tỉnh Quảng Nam để làm cơ sở đầu tư phát triển, chăm lo sản xuất vụ hè thu, thực hiện tốt chuyển nhiệm vụ đổi số, cải thiện các chỉ số cải cách hành chính…” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.
Thông báo đến các đại biểu về kết quả cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ ngành Trung ương với Quảng Nam, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cuộc làm việc đã mở ra những cơ hội phát triển và hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Tỉnh cũng có thêm cơ sở, căn cứ để quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện hiệu quả ở thời gian tới. Về cơ bản các kiến nghị lớn của Quảng Nam đều được Thủ tướng đồng ý.
“Nội dung làm việc của Thủ tướng với Quảng Nam tập trung vào những vấn đề mang tầm chiến lược, có tính lâu dài, đột phá của Quảng Nam và các địa phương ở khu vực miền Trung. Cho nên cách làm, cách tổ chức thực hiện sau khi có Thông báo Kết luận của Thủ tướng là rất quan trọng. Chúng ta cùng bàn để triển khai nhanh, hiệu quả nhất” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong 3 tháng đầu năm là rất quan trọng, tạo tiền đề, động lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Các cấp, ngành cần phát huy những kết quả đạt được; tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả biện pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.