Kinh tế Quảng Nam trong vòng vây khó khăn: Doanh nghiệp đối mặt thách thức

LÊ DIỄM 10/04/2023 06:57

Nhiều khó khăn cùng lúc xảy đến khiến doanh nghiệp rơi vào thế chẳng đặng đừng phải cho lao động nghỉ việc và rất cần sự tiếp sức kịp thời để thêm niềm tin và sức lực vực dậy, ổn định sản xuất.

Người lao động đi tìm việc làm mới. Ảnh: D.L
Người lao động đi tìm việc làm mới. Ảnh: D.L

Nguy cơ rình rập

Trước đây, thời gian sản xuất ổn định với những đơn hàng xuất đi nước ngoài nhiều, Công ty CP gỗ Cẩm Hà (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn) có khoảng 700 LĐ làm việc. Hiện nay, số LĐ còn lại chỉ 200 người. Rơi vào thế khó, cho LĐ nghỉ việc là việc bất đắc dĩ nhưng công ty đành phải chấp nhận.

Ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP gỗ Cẩm Hà chia sẻ: “LĐ của công ty phần lớn gắn bó lâu năm, cùng nhau trải qua bao biến cố, họ đã đồng hành với sự phát triển của công ty. Nhưng thời điểm này không có đơn hàng sản xuất, hai bên đành ngồi lại với nhau, động viên LĐ tự nguyện xin thôi việc.

Nhìn LĐ rời khỏi công ty, lòng tôi thắt lại. Buồn cho chính tôi, chính công ty và buồn cho người LĐ. Họ vẫn giữ liên lạc với những LĐ còn làm việc ở công ty, nhiều người về quê bám đất bám ruộng, nhiều người đi bán vé số”.

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm cho thấy, số người đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng đến 56,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, số người đến đăng ký là 2.878 hồ sơ (tăng 1.040 hồ sơ so với quý I/ 2022). Điều này cho thấy số người thất nghiệp, mất việc làm gia tăng đột biến trong quý I/2023. LĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều có nhu cầu tìm việc làm mới, nhưng vị trí việc làm phù hợp cũng không nhiều.

Công ty CP gỗ Cẩm Hà chủ yếu gia công các đơn hàng gỗ xuất khẩu sang châu Âu, khó khăn bắt đầu từ cuối năm 2022, đơn hàng bị cắt giảm, hủy. Theo ông Hoàng, công ty hiện nay chỉ sản xuất cầm cự, tình hình này khả năng sang quý II/2023 phải tạm dừng việc với người LĐ.

Tại Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, quý I/2023 đã phải giảm gần 800 LĐ vì nhiều lý do như LĐ nghỉ việc sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, LĐ dịch chuyển đi nơi khác, đơn hàng có giảm sút, đồng thời có giảm giờ làm. Điều này chưa từng xảy ra, kể cả trong dịch bệnh COVID-19, Panko cũng phải đi tuyển dụng thêm LĐ khi đơn hàng đưa về công ty nhiều.

Nhưng nay, nhiều khó khăn của thị trường tiêu thụ sản xuất ở các nước đối tác khiến hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Nhiều công ty khác tại KCN Tam Thăng, KCN Bắc Chu Lai cũng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, không làm việc vào cả thứ Sáu, thứ Bảy, cắt giảm LĐ do thiếu đơn hàng hoặc đơn hàng ít.

Sẻ chia với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, đã rà soát ở 52 doanh nghiệp (DN), số LĐ thực tế sử dụng trong quý I/2023 là 22.080 người. Có 45 DN tình hình sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Có 4/52 DN đề nghị điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu áp dụng năm 2024, mức tăng bình quân 6,5%; cả 48 DN còn lại đề nghị giữ nguyên mức lương tối thiểu, vì nếu tăng thì DN sẽ còn khó hơn.

Theo ông Quý, qua nắm tình hình ở DN, khó khăn do đơn hàng ít, thiếu. Các DN gặp khó vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, có số ít DN giữ vững động tốt, tuyển thêm LĐ và có đơn hàng mới để sản xuất.

“Ở những nơi khó khăn, DN và người LĐ đã có sự chia sẻ, có thể giảm giờ làm, giảm thu nhập để cùng nhau vượt qua giai đoạn này. Sở LĐ-TB&XH vẫn theo dõi chặt tình hình lương, chế độ đối với người LĐ ở DN, không để trong khó khăn lại phát sinh thêm phức tạp vì lương, chế độ không đảm bảo” - ông Quý nói.

Ông Nguyễn Phụ - Phó Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc thông tin, quý I/2023, DN trong KCN tiếp tục đối diện nhiều khó khăn. Nhất là DN gia công hàng xuất khẩu, do biến động của tình hình thế giới nên không có đơn hàng, bị cắt đơn hàng, dẫn đến không có hàng sản xuất, thiếu việc làm cho LĐ.

So với thời điểm cuối năm 2022, hiện toàn bộ KCN đã giảm hơn 4.000 LĐ, còn khoảng 22.000 LĐ đang làm việc. Tình hình khó khăn này được dự báo sẽ kéo dài đến quý III/2023. Các DN đang nỗ lực tự cứu lấy mình nhưng nguy cơ dừng hoạt động hoặc cắt giảm thêm LĐ vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại KCN Tam Thăng, qua tổng hợp sơ bộ của Ban quản lý KCN Tam Thăng, tổng số LĐ giảm gần 1.000 người so với năm 2022 (13.000 LĐ). Một số DN dệt may khó khăn, bị giảm đơn hàng so với trước nên phải cắt giảm LĐ, giảm ngày làm việc trong tuần.

Tại KCN Bắc Chu Lai, có 4 DN đang tạm dừng hoạt động, có 17 DN đang sản xuất kinh doanh thì nơi ổn định, nơi khó khăn, nơi dừng hoạt động một số chuyền, nơi giảm giờ làm, thực hiện chế độ LĐ luân phiên.

Ông Lê Ngọc Thủy - Giám đốc CIZIDCO (chủ đầu tư 2 KCN Tam Thăng và Bắc Chu Lai) cho biết: “Tình hình ở các DN khó khăn, chúng tôi đang nắm thông tin và kiến nghị, đề xuất của DN để báo cáo UBND tỉnh. Những biến động lớn của tình hình thế giới, lãi suất ngân hàng tăng, nguyên liệu đầu vào khó nhập, hàng hóa đầu ra bị tắc nghẽn... khiến DN kiệt sức.

Khó nhất vẫn là DN ngành hàng xuất khẩu. Còn thêm cái khó là, có nhiều DN muốn chuyển dự án đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng quỹ đất công nghiệp của tỉnh đã hết, muốn mở rộng thì vướng giải phóng mặt bằng. Vì thế mà mới, cũ đều khó”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Quảng Nam trong vòng vây khó khăn: Doanh nghiệp đối mặt thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO