Tăng trưởng âm, sản xuất, kinh doanh đình trệ... nhưng kinh tế Quảng Nam vẫn có thể lạc quan khi số đông doanh nghiệp đều đánh giá tình hình sẽ tốt hơn trong quý II/2023.
Suy giảm bất ngờ
Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) âm đến 10,9%, thuộc 2 địa phương thấp nhất trong 63 tỉnh thành Việt Nam và 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vượt qua sức dự đoán của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Tất cả chỉ số kinh tế đều suy giảm, từ thu ngân sách (giảm 28%), thành lập doanh nghiệp (giảm 11,3%), giải ngân, trừ khu vực nông - lâm - thủy sản và du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của nông - lâm - thủy sản (3,6%), du lịch, dịch vụ (2,8%) đóng góp không nhiều vào GRDP địa phương (0,33 điểm phần trăm và 0,9 điểm phần trăm).
Tính hiệu quả của đầu tư cũng suy giảm. Chỉ số giữa thu nội địa/tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ khoảng 0,87 đồng; tỷ lệ giữa tổng vốn đầu tư toàn xã hội/chi đầu tư phát triển chỉ thu hút 1,84 đồng và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước/vốn đầu tư toàn xã hội chỉ thu hút 3,55 đồng. Thay vì tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng thêm 1 đồng đã có thể tăng thêm 0,92 đồng, 2,06 đồng và 3,98 đồng như quý I/2022.
Không thiếu những giải pháp, chính sách đã ban hành. Nhưng dù là giải pháp gì, cũng phải thực hiện thật nhanh, mới có thể tăng trưởng, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau. Chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư để bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng. Huy động ngân sách, nhưng không đẩy áp lực cho doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi, tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Khảo sát, phân tích sức khỏe doanh nghiệp để tìm mọi cách hỗ trợ cho họ hồi phục. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay: “Thu ngân sách vẫn đạt tiến độ đề ra. Dư địa phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp vẫn còn rất lớn. Chính quyền và cơ quan quản lý đang tiến hành tập trung thu nợ chống thất thu thuế vận tải, tài nguyên, hỗ trợ doanh nghiệp bằng những biện pháp có thể... để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao cơ hội tăng trưởng kinh tế địa phương”.
Các khảo sát, điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 đã cung cấp số liệu ảm đạm.
Theo thống kê này, có đến 56% số doanh nghiệp được khảo sát, đánh giá cho rằng sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn; 29% giữ ổn định, chỉ 15% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn.
Khảo sát theo ngành, có 14,3% số doanh nghiệp ngành sản xuất trang phục đánh giá tình hình khó khăn hơn; tương tự, ngành dệt 40%, ngành sản xuất xe có động cơ 71%; sản xuất chế biến thực phẩm 86%...; riêng ngành sản xuất đồ uống và sản xuất tủ, giường, bàn ghế, tất cả doanh nghiệp đánh giá tình hình khó khăn hơn.
Các tác động, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu bởi nhu cầu thị trường nội địa thấp và đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến các hoạt động sản xuất, theo đánh giá của hơn 58% số doanh nghiệp được khảo sát.
Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tác động do lãi suất vay vốn cao khoảng 49%; tính cạnh tranh của hàng trong nước cao 35%; nhu cầu thị trường quốc tế thấp 32%; khó khăn về tài chính 26%; thiếu nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu 26%; tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao 14%. Các lý do còn lại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có phần thuộc về chính sách nhà nước, thiết bị công nghệ lạc hậu...
Sản xuất, kinh doanh gặp khó đã dẫn đến sự suy giảm nặng nề của khu vực công nghiệp - xây dựng (giảm 27,4%, làm giảm 9,4 điểm phần trăm GRDP), thuế sản phẩm trừ trợ cấp giảm 10,7% (làm giảm 2,7 điểm phần trăm GRDP).
Thống kê cho thấy doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng, dẫn đến tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng đến 193% so cùng thời điểm năm 2022. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã giảm đến 24% so quý IV/2022 và giảm 30% so cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng chuyển động mới
Tiến trình phục hồi của nền kinh tế không thể hoàn toàn dựa vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ. Sự đóng góp của hai ngành này vào tăng trưởng chung rất ít. Một khi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chưa thể “hưng thịnh”, chưa thể hồi phục hoàn toàn thì chưa thể kỳ vọng vào sự bức tốc của tăng trưởng GRDP. Nền kinh tế sẽ trông chờ nhiều nhất vào việc thúc đẩy đầu tư công.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, giải ngân của địa phương không thấp, cao hơn bình quân cả nước. Các chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ. Chỉ trong một vài tháng tới, sẽ có nhiều công trình được thi công, vốn sẽ được đổ vào nền kinh tế, tỷ lệ giải ngân sẽ gia tăng nhiều hơn.
Không như nhiều ý kiến “than khó tiếp cận tín dụng”, ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay: “Dư nợ cho vay tăng 6,5% so đầu năm, tăng 17% so cùng kỳ (doanh nghiệp chiếm gần 45%) thì không thể nói khó tiếp cận vốn được.
Giới ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Chỉ cần doanh nghiệp đủ chuẩn, đủ điều kiện sẽ dễ dàng tiếp cận được vốn vay. Không thể vì số ít doanh nghiệp không đủ chuẩn, không đủ điều kiện vay vốn than phiền là có thể đánh giá cả hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng”.
Một thông tin đáng chú ý là thực tế chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục trượt dốc (giảm 27,3%) khi nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể hay thị trường ô tô ảm đạm... sẽ có thay đổi.
Theo ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê thì nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh (hơn 550 doanh nghiệp) trong ngắn hạn. Nghĩa là “chưa chết” hẳn, vẫn còn cơ hội hồi sinh.
Các cuộc khảo sát cũng chỉ ra, phần lớn doanh nghiệp kỳ vọng, tin rằng sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II/2023. Hơn 44% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo sẽ khả quan, tốt hơn quý I/2023, khoảng 32% số doanh nghiệp nói ổn định và chỉ 24% số doanh nghiệp cho là sẽ khó khăn hơn.
Những lý do viện dẫn về giá nguyên liệu tăng cao do nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nhiều chủ đầu tư, hộ dân đã phải tạm hoãn việc xây dựng để tránh đội giá cũng như giảm thiểu chi phí... đã được hóa giải bằng các cuộc kiểm soát, chấn chỉnh. Cung cầu thị trường đã ổn định, tạo thuận lợi các nhà thầu tiếp tục thi công, cho ra khối lượng đầu tư để giải ngân.