Kinh tế Quế Sơn chuyển biến tích cực

MAI NHI 25/10/2022 07:14

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh nhưng thời gian qua kinh tế của huyện Quế Sơn vẫn có bước chuyển tích cực. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp và nhiều loại sâu bệnh gây hại nhưng trong 2 vụ sản xuất của năm nay, sản lượng lúa của Quế Sơn vẫn đạt khá cao. Ảnh: M.N
Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp và nhiều loại sâu bệnh gây hại nhưng trong 2 vụ sản xuất của năm nay, sản lượng lúa của Quế Sơn vẫn đạt khá cao. Ảnh: M.N

Nông nghiệp thắng lợi

Ông Nguyễn Kim Vân – chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, trong vụ sản xuất đông xuân và hè thu của năm 2022, nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng 7.147ha cây lương thực có hạt (gồm 6.730ha lúa và 417ha bắp).

Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp và nhiều loại sâu bệnh gây hại trên diện rộng nhưng năng suất 2 loại cây trồng chủ lực này vẫn đạt khá. “Năm nay tổng sản lượng lương thực có hạt của Quế Sơn đạt hơn 39.856 tấn, tăng ít nhất 1.588 tấn so với kế hoạch đề ra” – ông Vân nói.

Ông Vân cho biết thêm, trong năm 2022 này, ngành nông nghiệp Quế Sơn tích cực đôn đốc chính quyền các địa phương xây dựng những dự án liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra sản phẩm lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao với tổng diện tích canh tác 573ha.

Đáng ghi nhận, thực hiện Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh, UBND huyện Quế Sơn đã chi hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ các hợp tác xã cùng hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn 2 xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2 tổ chức triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm theo phương thức hàng hóa tập trung với diện tích gieo sạ mỗi vụ 150ha.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan cũng nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân ở nhiều nơi chuyển hơn 125ha đất lúa không chủ động nước tưới hoặc sản xuất kém hiệu quả sang gieo trồng đậu phụng, bắp, đậu xanh, sắn, mè, sen...

Qua khảo sát tại nhiều vùng, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, lúa thương phẩm chất lượng cao đều giúp thu nhập của nhà nông tăng thêm 20 – 35%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quế Sơn trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 634,8 tỷ đồng, bằng 102,2% so với dự toán tỉnh giao và bằng 99,96% so với kế hoạch HĐND huyện đề ra.

Sau khi các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế, từ đầu năm 2022 đến nay lĩnh vực chăn nuôi của Quế Sơn từng bước khôi phục và phát triển.

Toàn huyện có khoảng 12 trang trại nuôi heo, 1 trang trại nuôi gia cầm với quy mô lớn. Ngoài ra, còn có 30 gia trại nuôi heo, 8 gia trại nuôi gà, 2 gia trại nuôi vịt, 1 gia trại nuôi chim cút với số lượng tương đối nhiều...

Kết quả khả quan

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các cụm công nghiệp, thời gian qua huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đồng thời, tổ chức khảo sát thực địa, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đăng ký đầu tư những dự án trong và ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Quế Sơn thu hút thêm 9 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - phát triển nhà ở với tổng số vốn đăng ký hơn 1.480 tỷ đồng.

“Sau khi dịch covid-19 được khống chế, hầu hết doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở Quế Sơn nhanh chóng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất – kinh doanh và mang lại hiệu quả cao. Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt gần 2.666 tỷ đồng, tăng hơn 12,5% so với cùng kỳ năm 2021” – ông Châu nói.

Thời gian qua, lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Quế Sơn có bước chuyển biến tích cực. Ảnh: M.N
Thời gian qua, lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Quế Sơn có bước chuyển biến tích cực. Ảnh: M.N

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng hơn 4 năm qua Quế Sơn triển khai khá thành công Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP.

Ông Hồ Ngọc Mai – chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, giai đoạn 2018 – 2021 huyện đã chi 2,2 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện nhiều phần việc quan trọng.

Nhờ vậy, đến cuối năm 2021 toàn huyện có 11 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Trong năm nay Quế Sơn tiếp tục hỗ trợ 600 triệu đồng cho các chủ thể thực hiện chương trình này.

“Vừa qua, hội đồng thẩm định của huyện đã tiến hành bình xét và công nhận 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp huyện năm 2022; trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. Hiện chủ thể của 6 sản phẩm này đã gửi hồ sơ về tỉnh để tham gia xét chọn đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2022” – ông Mai nói.

Tính đến cuối tháng 9, tổng kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn Quế Sơn hơn 145 tỷ đồng và UBND huyện đã tiến hành phân bổ được hơn 138 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Châu cho biết, đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, thời gian qua huyện tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư các dự án như khu phố chợ Đông Phú, khu phố chợ Bà Rén, Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, khu dân cư Hương Quế Đông, hồ chứa nước Lộc Đại.

Đặc biệt, liên tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành những công trình dở dang. Cạnh đó, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu và lập hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đối với những công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Quế Sơn chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO