Kinh tế quý I.2015: Sáng sủa nhưng chưa thể lạc quan...

TRỊNH DŨNG 01/04/2015 09:52

Kinh tế quý I.2015 sáng sủa nhưng chưa đủ để lạc quan là nhận định của nhiều đại diện cơ quan quản lý tại phiên họp thường kỳ tháng 3 ngày 30.3. Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh tuyên bố cần nhanh chóng tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng để dọn chỗ cho các dự án đầu tư triển khai. Nếu trì hoãn, khả năng các dự án đầu tư sẽ không kịp tiến độ và các nhà đầu tư “bỏ đi” là điều có thể xảy ra.

Tăng trưởng

Bức tranh kinh tế Quảng Nam quý I.2015 có khá nhiều điểm sáng, khác biệt nhiều so với cùng kỳ năm 2014. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hồi phục nhanh và độ ổn định cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,4%, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành tăng 6,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 19% (hơn 8.300 tỷ đồng), tổng giá trị xuất khẩu tăng gần 8% (gần bằng 18% kế hoạch năm), kim ngạch nhập khẩu hơn 213 triệu USD (tăng hơn 4% và bằng 20,5% kế hoạch). Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng sau gần 4 - 5 năm nay mới có được chỉ số tăng trưởng, nhất là chỉ số sử dụng lao động tăng như hiện tại. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất sớm, thừa khả năng đầu tư mở rộng và không có biến động giảm về nhân lực lao động. Nông nghiệp cũng cho thấy khả năng tăng trưởng. Không dịch bệnh và sản lượng khai thác thủy sản khoảng 12.900 tấn (tăng 700 tấn), diện tích thả nuôi hơn 5.600ha với sản lượng thu hoạch hơn 2.200 tấn (750 tấn tôm), diện tích trồng rừng cũng tăng 5%, sản lượng gỗ khai thác khoảng 100 nghìn mét khối.

Cầu Cửa Đại sắp được thông xe kỹ thuật.
Cầu Cửa Đại sắp được thông xe kỹ thuật.

Dấu hiệu tăng trưởng thấy rõ nhất vẫn là nhiều dự án đầu tư đã được khánh thành, đưa vào sử dụng sau 5 năm đầu tư. Nhiều dự án đầu tư được cấp phép, những dự án lớn như cầu Giao Thủy, Khu liên hợp sợi – nhộm – dệt tại Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng được khởi công, cộng với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng gần 18% (27.500 tỷ đồng) cho thấy dòng vốn đã đổ vào nền kinh tế khá nhiều, kéo theo tổng vốn đầu tư toàn xã hội gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, hiện đã giải ngân hơn 657,4 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2015, bằng 21,5% kế hoạch. Nguồn vốn trong cân đối giải ngân được 282,6 tỷ đồng (26%), vốn trái phiếu chính phủ giải ngân 15,4% và nguồn vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương giải ngân 13%. Kinh tế tăng trưởng đã dẫn đến tổng thu ngân sách nhà nước tăng 91,5% so cùng kỳ, bằng 37% dự toán năm với 3.360 tỷ đồng. Nổi bật là thu nội địa khoảng 2.200 tỷ đồng, hơn 35% dự toán và thu xuất, nhập khẩu 1.070 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán.

Sản xuất nông nghiệp cần được hỗ trợ. Ảnh: T.D
Sản xuất nông nghiệp cần được hỗ trợ. Ảnh: T.D

Chưa đủ để lạc quan

Theo nhận định của các cơ quan quản lý, tốc độ tăng trưởng kinh tế dù có khả quan, nhưng để đạt kế hoạch tăng trưởng 6 tháng hay cả năm 2015 vẫn là bài toán khó giải. Muốn tăng tổng cầu thì không còn cách nào khác là khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản, giảm lãi suất, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng và chi mạnh cho đầu tư phát triển. Thực tế, bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn. Việc giải ngân vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 dù đã có danh sách được duyệt cho vay nhưng chỉ mới có 1 dự án được giải ngân. Nỗ lực giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, nhất là quốc lộ 1, cao tốc, các dự án ADB hay nhiều dự án đầu tư mới vẫn đang bị trì hoãn, dù thời hạn cam kết cuối cùng bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đã rất cận kề và nông nghiệp chỉ sau một trận lũ nhỏ đã khiến nhiều diện tích gieo trồng bị mất trắng…

Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê nói tăng trưởng Quảng Nam phần lớn nhờ vào công nghiệp chủ lực như dệt may, da giày, ô tô, chíp điện tử…, nhưng công nghiệp khai khoáng không lối thoát. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng, nhất là các dự án đầu tư chỉ trong vòng 3 tháng đã gấp 7 lần quy mô vốn 2014, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc triển khai đầu tư và giải ngân vốn thì nền kinh tế mới có khả năng hấp thụ và tăng trưởng. Theo ông Đào, cần có giải pháp cụ thể để xử lý và có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Nhìn từ góc độ tài chính, Giám đốc Sở Tài chính Phan Văn Chín cho rằng tốc độ tăng thu ngân sách khá cao. Nguồn thu vượt tiến độ nhưng thu ngân sách đang gặp khó từ thu phí xăng dầu và khu vực FDI. Ngân sách Phước Sơn và Phú Ninh đang bị áp lực rất nặng nề. Không có tiền cân đối, không có tiền để chi khi số phải thu 140 tỷ đồng từ hai công ty vàng (năm 2015) vẫn chưa được đồng nào. Ông Chín cho rằng nhiều nông dân sẽ gặp khó khăn khi dưa, ớt bị thiệt hại. Ông Chín nói cần thu thập số liệu thiệt hại cụ thể để Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ đời sống và tái sản xuất cho người dân. Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT nói ngành nông nghiệp sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ, nhưng sợ nhất là bệnh lem lép hạt, đạo ôn sẽ bùng phát do biên độ nhiệt thay đổi, nên rất cần UBND tỉnh hỗ trợ thuốc trừ sâu bệnh cho nông dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay hiện có khá nhiều nhà đầu tư đến đặt vấn đề cần mặt bằng để phát triển các dự án chăn nuôi gia súc nhưng địa phương khá lúng túng khi không thể tìm được mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Các cơ quan quản lý, địa phương cần rà soát quy hoạch, xúc tiến tìm vị trí thuận lợi về đất để mời gọi đầu tư. Ngay cả việc triển khai Nghị định 67 cũng cần tháo gỡ, bởi gần như các địa phương trong vùng đã có tàu hạ thủy mà Quảng Nam chỉ mới có 1 dự án được giải ngân.

Trước những băn khoăn của nhiều đại diện cơ quan quản lý, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định tất cả dự án được cấp phép và khởi công hồi cuối tháng 3 đều là những dự án thực chất. Không phải là những dự án chỉ khởi công rồi lần lữa. Vấn đề cần lưu ý trước hết là phải dọn mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tất cả đều phải đồng lòng tháo gỡ các thủ tục đầu tư, khó khăn cho doanh nghiệp, nhanh chóng tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư và giải ngân các nguồn vốn đúng quy định. Nếu đã bảo đảm đủ các quyền lợi cho người dân mà không giao hiện trạng thì buộc phải cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư, nhất là quốc lộ 1 và đường cao tốc. Nếu không có mặt bằng thì nhiều nhà đầu tư sẽ bỏ đi là điều có thể xảy ra. Riêng tình trạng nợ thuế của hai công ty vàng đã nói quá nhiều nhưng chưa thay đổi, cần hành động. Cơ quan quản lý cương quyết lập phương án thu, doanh nghiệp không chấp hành nộp thuế thì cưỡng chế, kiên quyết dừng hoạt động.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế quý I.2015: Sáng sủa nhưng chưa thể lạc quan...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO