(QNO) - Sáng 11/11, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Kinh tế số là một trong những nội dung trọng tâm được bàn thảo nhằm thúc đẩy nền kinh tế khu vực khôi phục sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, các nền kinh tế thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có kế hoạch đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế từ các công nghệ tiên tiến để đổi mới và làm cho khu vực trở nên cạnh tranh hơn.
Ông Tony Cripps - Giám đốc điều hành của Ngân hàng Quốc tế HSBC Singapore cho biết, kế hoạch trên cùng việc thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh sẽ cải thiện lưu thông thương mại và khuyến khích đầu tư vào ASEAN, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của thị trường tiêu dùng số và các dịch vụ liên quan.
Theo thống kê của Google và Temasek, ASEAN là khu vực internet phát triển nhanh nhất thế giới. Tổng số người sử dụng internet trong khu vực đạt 480 triệu người vào năm 2020, hiện có hơn 700 triệu thuê bao internet di động trong khu vực. Năm 2023, khu vực sẽ có gần 4 triệu người dùng mới trực tuyến mỗi tháng.
Những người tiêu dùng này chỉ chi 30 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, chi tiêu có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025, thúc đẩy bởi việc tiêu thụ đồ điện tử, quần áo, đồ gia dụng và hàng tạp hóa và du lịch trong khu vực.
Giám đốc điều hành HSBC Singapore tin rằng, các nền kinh tế ASEAN sẽ được hưởng lợi từ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ này. Dân số trẻ và tầng lớp trung lưu của ASEAN đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Phát triển thành phố thông minh, tăng cường quan hệ đối ngoại, số hóa quá trình thương mại và xây dựng hệ thống tích hợp sẽ được ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay.
Ví như, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Indonesia (BI) vừa bắt đầu triển khai hợp tác liên kết thanh toán QR xuyên biên giới giữa hai quốc gia.
Hệ thống sẽ giúp cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thực hiện các hoạt động giao dịch thương mại xuyên biên giới, thương mại điện tử và tài chính hiệu quả hơn...
Một hệ thống thanh toán tương thích duy nhất mang lại cơ hội to lớn để tăng cường hoạt động thương mại và kinh doanh nội khối.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết, hệ thống thanh toán xuyên biên giới giữa 5 nước ASEAN gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia sẽ được kết nối toàn diện vào năm tới.
Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022 khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Dựa trên các dự báo trong tháng 10 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3, nền kinh tế ASEAN được dự báo tăng trưởng lần lượt 5,3% và 4,9% vào năm 2022 và 2023.