Do tác động của dịch Covid-19, mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài sự xoay xở của mỗi HTX, tổ hợp tác thì cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Thu hẹp sản xuất kinh doanh
Hiện Quảng Nam có hơn 2.500 tổ hợp tác (THT), 355 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, y tế... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều HTX, THT trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, vận tải... giảm sản lượng, doanh thu; thu nhập của thành viên, người lao động cầm chừng, không ổn định. Nhiều HTX nông nghiệp chuyên cung ứng nông sản, thực phẩm cho trường học, nhà hàng, khách sạn và các khu du lịch... nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên đầu ra sản phẩm bị ách tắc.
Mô hình vườn rau hữu cơ Thanh Đông của HTX Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) được xem là mô hình kinh tế gắn với du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm gần đây. Vườn rau có hơn 30 loại cây trồng, tất cả đều được cấp chứng nhận PGS (tiêu chuẩn quốc gia cho sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ, tạo sản phẩm sạch tuyệt đối, an toàn cho người tiêu dùng).
Trong năm 2019, mô hình cho thu hoạch hơn 12,9 tấn, doanh thu 365 triệu đồng và thu hút gần 17.000 lượt nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tìm hiểu học tập, trải nghiệm. Tuy nhiên, quý I.2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các khách sạn, nhà nghỉ, trường học tạm thời đóng cửa nên doanh thu từ nguồn vườn rau hữu cơ Thanh Đông của HTX giảm rõ rệt. HTX chỉ còn cách hoạt động cầm cự.
Tương tự, HTX Chăn nuôi Duy Đại Sơn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) là một trong những mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao. Hai vật nuôi chủ lực của HTX đang là gà và heo.
Trước đây, HTX duy trì quy mô đàn gà đẻ trứng khoảng 10.000 - 12.000 con, cung ứng ra thị trường xấp xỉ 250 tấn trứng gà sạch/năm. HTX còn duy trì quy mô trên 100 con nái và đàn heo thịt hơn 2.000 con gối lứa. Bình quân mỗi năm HTX đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu từ chăn nuôi của HTX giảm sút mạnh.
Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giá gia cầm, trứng gia cầm giảm một nửa so với thời điểm Tết Nguyên đán. Giá bán các sản phẩm gà, vịt hiện nay quá thấp nên cả HTX và nông dân gặp khó khăn. Hiện tại, HTX không dám vay vốn để đầu tư mở rộng mà chỉ còn hoạt động cầm chừng, không biết khi nào hết dịch để tái đàn.
Tìm hướng tháo gỡ
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều HTX buộc phải có những phương án đối phó để trụ vững trong giai đoạn này. Kinh doanh thua lỗ có thể cầm cự, nhưng nếu cạn vốn thì nhiều HTX sẽ phải dừng “cuộc chơi”, nên cần sự tháo gỡ từ nhiều phía.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có đến 70% HTX, liên hiệp HTX, THT chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, đe dọa sinh kế của hàng triệu nông dân. Ngay lúc này, khu vực kinh tế tập thể cũng cần được hỗ trợ để duy trì sản xuất, hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ giảm lãi suất, khoanh nợ, tiền thuê đất...
Ông Võ Ngọc Sơn cho rằng, các HTX trên địa bàn của tỉnh đều mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa trong thời điểm khó khăn này như hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi, giãn nợ, gia hạn nợ, chậm nộp thuế...
Theo ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh đang phối hợp với các địa phương rà soát hoạt động sản xuất, đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ tín dụng cho các HTX vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay khi hết dịch; miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cán bộ quản lý HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19....
“Trước mắt, Thường trực Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ các HTX, THT khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh như: thông tin tình hình dịch bệnh, sự tác động của dịch bệnh đối với thị trường hàng hóa, tư vấn tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tạo kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các HTX với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xã viên sản xuất trở lại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu…” - ông Bảy nói.