Kinh tế tập thể ở Thăng Bình

VIỆT NGUYỄN 07/04/2023 07:08

Kinh tế tập thể khẳng định vị trí, vai trò, góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thăng Bình, tuy nhiên cũng bộc lộ một số hạn chế nên địa phương đang triển khai các giải pháp để tạo động lực phát triển trong thời gian đến.

Tích tụ ruộng đất để trồng cây mùng năm ở xã Bình Đào. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tích tụ ruộng đất để trồng cây mùng năm ở xã Bình Đào. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả chuỗi liên kết

Trên địa bàn huyện Thăng Bình thời gian qua đã xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) sáng tạo, năng động trong tổ chức đầu tư, liên kết, liên doanh sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Như HTX Nấm Bình Tú chuyên sản xuất, kinh doanh nấm bào ngư.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc HTX Nấm Bình Tú cho biết, trung bình mỗi tháng HTX sản xuất 30 nghìn phôi nấm bào ngư cung ứng cho người dân trong và ngoài xã nuôi trồng rồi sau đó thu mua lại sản phẩm để bán ra thị trường qua các đối tác thương mại.

Doanh thu của HTX Nấm Bình Tú đạt 70 triệu đồng/tháng, lãi gần 30 triệu đồng/tháng. Riêng người dân nhờ nuôi trồng nấm hiệu quả nên có nguồn thu nhập khá. Có nhiều hộ thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.

“HTX thực hiện tư vấn, thiết kế nhà xưởng, cung ứng các dịch vụ đầu vào, cung cấp phôi giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch nấm cho người dân. Chúng tôi tiêu thụ sản phẩm cho người dân là vệ tinh trong chuỗi liên kết nên đạt hiệu quả” - bà Huyền nói.

HTX Nông nghiệp xã Bình Đào là điểm sáng, thu hút nhiều HTX trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập. HTX hoạt động với 7 dịch vụ gồm nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, cung ứng phân bón, cung ứng giống cây trồng, cơ giới hóa, thu mua chế biến nông sản, tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Đào cho biết, HTX có 53 thành viên, doanh thu hằng năm đạt hơn 3,6 tỷ đồng. HTX là đơn vị tiên phong trong thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở huyện Thăng Bình với 85ha.

Từ tích tụ ruộng đất, HTX đã liên kết với người dân sản xuất cây mè, đậu phụng 10ha/năm, sản xuất lúa giống 45ha/năm, sản xuất nếp Hương Lân, lúa gạo chất lượng cao ST-24 10ha/năm. Đến nay HTX có 2 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là dầu mè và lúa nếp Hương Lân.

Liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX ở Thăng Bình. HTX Nông nghiệp xã Bình Nam hoạt động với 6 dịch vụ, liên kết sản xuất và tiêu thụ dầu phụng đạt hiệu quả cao với doanh thu mỗi năm đạt hơn 5 tỷ đồng.

Dầu phụng Bình Nam cũng đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. HTX Nông nghiệp Bình Nam hiện có diện tích tích tụ ruộng đất lớn nhất trên địa bàn Thăng Bình là 92,7ha.

Tiếp sức, tạo cú hích mới

Mới đây, Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị chuyên đề về kinh tế tập thể. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đánh giá, hoạt động kinh tế tập thể của huyện, nhất là các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực. HTX có doanh thu bình quân 800 triệu đồng/HTX/năm.

“Các hoạt động của HTX đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Nhiều HTX củng cố, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động ngày càng phù hợp, khẳng định vai trò, vị trí và không ngừng nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới, phát triển liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, chương trình OCOP” - ông Vỹ nói.

 Theo UBND huyện Thăng Bình, kinh tế tập thể hiện còn tồn tại các điểm nghẽn. Năng lực nội tại của một số HTX còn yếu nên chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, nhất là đổi mới sản xuất, kinh doanh để phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Còn nhiều HTX, tổ hợp tác có vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh chưa cao…

Nguyên nhân là trình độ quản lý, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hạn chế, vốn điều lệ ít... Để giải quyết tình trạng lúng túng với mô hình điều hành, khó thay đổi tư duy sản xuất, huy động nguồn lực của xã viên, các HTX trên địa bàn huyện Thăng Bình rất cần các chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.

Hội nghị đã thông qua nhiều cơ chế chính sách tạo động lực cho phát triển kinh tế tập thể thời gian đến như chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, đầu tư phát triển hạ tầng, chính sách tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ, hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, chính sách bảo hiểm xã hội.

Huyện Thăng Bình khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị quy mô lớn. Trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của 22 xã, thị trấn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế tập thể ở Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO