(QNO) - Hội nghị thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF khai mạc cuối tuần qua trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều bất ổn, đe dọa nguy cơ suy thoái mới.
Nhà lãnh đạo IMF tại hội nghị thường niên 2014. |
Sáu năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ hồi phục nhẹ với dự báo tăng trưởng đạt 3,8% so với mức từ 2,7 - 3,1% của năm 2013. Tình hình còn lạc quan khi dự báo tăng trưởng của năm 2015 có thể lên mức 3,8%. Tuy nhiên, WB và IMF đều quan ngại nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến quá trình hội phục mong manh của kinh tế toàn cầu. Trong đó, hai vấn đề được được quan tâm và bàn thảo nhiều nhất tại hội nghị của WB và IMF ở thủ đô Washington (Mỹ) năm nay là sự cấp thiết của thế giới với các biện pháp đối phó dịch bệnh Ebola và việc bảo vệ hành tinh trước sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Dịch Ebola tiếp tục hoành hành tại Tây Phi với số ca tử vong tăng lên cấp số nhân với 4.000 ca tử vong trong khi cộng đồng quốc tế lo ngại trước một ca tử vong vì Ebola đã được ghi nhận tại Mỹ; châu Âu cùng phát hiện một số ca lây nhiễm Eboba. Theo cảnh báo của WB, nếu dịch bệnh này không sớm được kiểm soát, nền kinh tế Tây Phi sẽ phải đối mặt với con số tổn thất lên tới hơn 32 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, WB và IMF cho biết, thiên tai không những gây tổn thất nặng nề về nhân mạng mà cả về kinh tế. Theo tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại kinh tế 41 tỷ USD. Nhà lãnh đạo IMF, bà Christine Lagarde nói, năm 2015 là năm bản lề và nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ không hoàn thành trách nhiệm với những người nghèo và các thế hệ mai sau. Chủ tịch WB - Jim Yong Kim đồng thời so sánh hậu quả của biến đổi khí hậu với sự lây lan của dịch bệnh Ebola. Một điểm lạc quan là WB đã nhận được sự ủng hộ của 74 chính phủ, chiếm 54% lượng khí thải thế giới đối với việc thực thi cơ chế mua bán khí phát thải.
Ngoài ra, những yếu tố khác gây cản trở đến sự phát triển chung của nền kinh tế toàn cầu cũng được WB và IMF nhắc đến như các cuộc khủng hoảng chính trị từ Trung Đông đến Ukraine, sự trì trệ của khu vực đồng tiền chung euro. Vì thế tại hội nghị, IMF và WB đang thúc giục chính phủ các nước đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng, chi ngân sách theo hướng tạo việc làm. Trong đó, WB ngày 9.10 đưa ra sáng kiến mới có tên là Cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm hình thành sự hợp tác công - tư để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng. WB và IMF cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần tiến hành các cải cách kinh tế nghiêm túc hơn nữa nếu không muốn mắc kẹt trong nợ công và thất nghiệp. Nhưng ngược lại, chính sách “thắt lưng buộc bụng” quá mức sẽ gây tác động tiêu cực trở lại cho sự phục hồi kinh tế, vốn đã xảy ra với nhiều nước châu Âu.
QUỐC HƯNG