Những năm qua, dù điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác tổ chức thi đấu còn hạn chế nhưng ngành TD-TT Quảng Nam rất nỗ lực trong việc kéo các giải thể thao cấp quốc gia về tỉnh nhà. Mới đây nhất, được sự ủy quyền của UBND tỉnh và Tổng cục TD-TT, Sở VH-TT&DL phối hợp với Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tổ chức giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc năm 2015 tại Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam. Chỉ là giải đấu trẻ (nam dưới 20 tuổi, nữ dưới 19 tuổi) nhưng đây lại là một trong những giải đấu “hoành tráng” nhất từ trước đến nay trong số các giải đấu tầm quốc gia mà Quảng Nam đăng cai. Đơn cử, con số hơn 400 vận động viên, huấn luyện viên của 24 đội bóng thi đấu trong thời gian dài đến nửa tháng đủ để nói lên quy mô khá lớn của giải đấu.
Khán giả đến chật kín với sự cổ vũ cuồng nhiệt tại Giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc - hình ảnh lần đầu xuất hiện tại Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam. Ảnh: A.NHI |
Mục đích chính của việc đăng cai tổ chức các giải thể thao toàn quốc là nhằm phục vụ công chúng. Sau nhiều năm đưa các môn võ thuật, hội thi thể thao các dân tộc thiểu số về địa phương, lần đầu tiên Quảng Nam là chủ nhà của giải bóng chuyền trẻ toàn quốc. Có thể thấy sự háo hức của người dân đất Quảng đối với môn thể thao có sức hút chỉ xếp sau bóng đá ở Việt Nam này. Sau vài ngày đầu ít khán giả do chưa có nhiều thông tin về giải, những ngày sau đó Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam gần như không còn chỗ trống. Nhiều khán giả phải chen nhau đứng xem do đã hết ghế ngồi là hình ảnh chưa từng có tại Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam cho thấy giải thành công rất lớn về mặt thu hút người xem. Do các trận đấu diễn ra liên tục từ 2 giờ chiều đến tối nên không ít người tranh thủ ra căng tin trong khu vực nhà thi đấu ăn mì tôm để có thể xem được các trận đấu diễn ra vào buổi tối. Rõ ràng với giải đấu vừa qua, người hâm mộ Quảng Nam đã có được những “bữa tiệc” bóng chuyền thịnh soạn và hấp dẫn.
Có một điều mà các nhà tổ chức ít khi đề cập, đó là lợi ích kinh tế đem lại cho xã hội đằng sau các hoạt động TD-TT. Tổ chức giải đấu với hàng trăm người từ nhiều nơi trên cả nước đến với địa phương sẽ kích cầu rất lớn cho các hoạt động dịch vụ, du lịch. Chẳng hạn, ở giải bóng chuyền trẻ vừa qua, theo tính toán của một cán bộ ngành TD-TT, 24 đội bóng với hơn 400 vận động viên, huấn luyện viên ăn ở tại Quảng Nam trong thời gian cả nửa tháng, trung bình mỗi người chi tiêu khoảng 7 triệu đồng thì số tiền “đổ” vào Quảng Nam lên đến gần 3 tỷ đồng. Đó là chưa kể cả trăm người là nhân viên phục vụ các đội bóng, người nhà đi theo các vận động viên thì số tiền còn cao hơn nhiều. Ai hưởng lợi ích này? Đó là các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm. Nói đâu xa, chứng kiến hình ảnh căng tin tại Nhà thi đấu TD-TT Quảng Nam thường xuyên đông nghịt khách trong những ngày diễn ra giải bóng chuyền đủ thấy lợi ích kinh tế đem lại.
Việc đăng cai giải đấu tầm quốc gia còn đem lại nhiều lợi ích khác, chẳng hạn như giúp cho ngành TD-TT tỉnh nhà có dịp được học hỏi kinh nghiệm về công tác tổ chức thi đấu. Hoặc đây cũng là cơ hội quý để phát triển phong trào tập luyện, thi đấu trong người dân; quảng bá hình ảnh vùng đất, con người đất Quảng. Nói chung, để tổ chức giải đấu ngân sách tỉnh bỏ ra không nhiều nhưng số tiền đem lại cho xã hội và có nhiều cái lợi không tính được bằng tiền lớn hơn rất nhiều.
AN NHI