Kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát

QUỐC HƯNG 09/08/2023 15:42

(QNO) - Theo Reuters và AFP, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm lại sau một khởi đầu nhanh chóng trong quý I/2023.

Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7/2023 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters
Chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7/2023 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Reuters

Ngày 9/8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm 0,3% sau khi đi ngang trong tháng 6/2023, trong khi số liệu công bố một ngày trước đó cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm qua.

Giảm phát là tình trạng mức giá chung của nền kinh tế giảm xuống liên tục, được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm tiêu dùng suy giảm. Hoạt động chi tiêu tại Trung Quốc yếu gây sức ép lên quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Reuters và AFP cho rằng, trong khi hàng hóa rẻ hơn có thể có lợi cho sức mua, giảm phát lại là mối đe dọa đối với nền kinh tế rộng lớn hơn.

Khi giá giảm, người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn việc mua hàng hóa với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa.

Việc thiếu nhu cầu sau đó buộc các công ty phải giảm sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân và đồng ý giảm giá mới để bán bớt cổ phiếu - ảnh hưởng đến lợi nhuận ngay cả khi chi phí vẫn giữ nguyên.

Trung Quốc từng trải qua một giai đoạn giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phần lớn do giá thịt heo - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nước này giảm mạnh. Trước đó, thời kỳ giảm phát cuối cùng là vào năm 2009.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Andrew Batson của Gavekal Dragonomics cho biết những bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là “nguồn gốc chính cho cú sốc giảm phát lần này”.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu yếu kém cũng là yếu tố góp phần vào tình trạng giảm phát của Trung Quốc khi đây vốn là nguồn tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất lại giảm 4,4% trong tháng 7 - đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp, đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống.

Các số liệu được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế chậm hơn.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc hạ thấp những lo ngại về giảm phát. Tháng trước, ông Liu Guoqiang - Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ không có rủi ro giảm phát ở Trung Quốc trong nửa cuối năm nay, nhưng lưu ý rằng nền kinh tế cần thời gian để trở lại bình thường sau đại dịch COVID-19. 

NBS kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi và mối quan hệ giữa cung và cầu được cải thiện.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020 chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO