(QNO) - Nhiều trang báo quốc tế vừa có các bài viết ca ngợi tình hình kinh tế Việt Nam năm 2015 với đà phục hồi ấn tượng.
Hãng tin AFP (Pháp) số ra ngày 26.12.2015 cho biết, trong khi nền kinh tế châu Á nói chung gặp nhiều khó khăn năm 2015, nhất là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới là Trung Quốc giảm tốc sau thời gian tăng trưởng nóng trong hơn 20 năm qua ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều nước trong khu vực thì nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà hồi phục tốt. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 đạt đến 6,68%, vượt chỉ tiêu chính phủ đề ra (6,2%) và đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Vào năm ngoái, tỷ lệ này đạt 5,98%, là con số cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và năm nay cũng có thể tiếp tục dẫn đầu khu vực.
May mặc - một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam (ảnh: russiancouncil) |
Tương tự, bài viết về kinh tế Việt Nam năm 2015 của kênh thông tin tài chính và kinh tế quốc tế Bloomberg (Mỹ) số cuối tuần qua nêu nhận định của Jonathan Dunn - Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Viêt Nam. Theo đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu tăng mạnh và tiêu thụ nội địa ổn định. Điển hình, lĩnh vực xuất khẩu năm 2015 tăng 8,1% so với năm 2014, lên 162,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, khi Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ để kích thích nền kinh tế đang tụt dốc thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ giá đồng bạc đến 3 lần trong năm, để kích thích xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những điểm nhấn kích thích tăng trưởng kinh tế nước ta phải nói đến lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài đạt con số kỷ lục, tăng 17,4% năm 2015 so với năm trước đó. Theo AFP, việc giá dầu lửa bị sụt là yếu tố tích cực cho Việt Nam vốn là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu, đồng thời giúp giảm đáng kể giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát của năm 2015 là 0,63%, thấp nhất kể từ 14 năm qua. Bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói, chính lòng tin được cải thiện đã giúp Việt Nam tạo được các cơ sở vững chắc hơn cho tăng trưởng trong trung hạn. Đây là thời điểm tốt để củng cố ổn định vĩ mô, tấn công vào tình trạng mất cân bằng ngân sách và đấu tranh chống những yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng.
Cùng với đà tăng trưởng lạc quan của năm 2015, giá dầu thế giới tiếp tục ở mức giảm trong thời gian tới tiếp tục tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020.
KIM OANH