Kinh tế Việt Nam qua báo chí quốc tế

NAM VIỆT (tổng hợp) 31/08/2013 09:46

Trong tháng 8 vừa qua, nhiều tờ báo quốc tế đã đưa tin về dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế nước ta sau một thời gian bị bao phủ bởi tác động từ những thách thức, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Nhật báo Le Monde (Thế giới) của Pháp đã liệt kê những nền kinh tế được gọi là “con hổ mới” của châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo các tác giả của bài báo là Laetitia Van Eeckhout và Quinn Ryan Mattingly, Việt Nam hội đủ nhiều yếu tố để trở thành một trong những quốc gia năng động nhất châu Á: dân số đông và trẻ (khoảng 92 triệu người, trong đó phân nửa dưới 30 tuổi) với mức tăng trưởng kinh tế hằng năm trung bình ở mức 7,2% (cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực Đông Nam Á). Mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao (có thể ở mức 8,2% vào cuối năm nay - theo Ngân hàng Thế giới) nhưng duy trì mức lạm phát một con số vẫn có thể coi là thành công của chính phủ. Thêm nữa, tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người (GDP) tại Việt Nam đã tăng lên đến 60%. Thống kê năm 2012 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 1.500USD/năm. Hay như chỉ trong vòng 7 - 8 năm, Việt Nam đã vươn lên lọt vào top 3 các quốc gia xuất khẩu cà phê, gạo, tiêu và hạt điều. Trong đó, bài báo cũng ưu ái nhắc đến TP. Hồ Chí Minh với sự năng động, hình ảnh minh họa là những ngôi nhà chọc trời như tháp ánh sáng lung linh về đêm. Trên mọi dãy phố, nét truyền thống pha lẫn hiện đại. Bài báo nhận định “Việt Nam giờ đây đang thay da đổi thịt”.

Kinh tế năm 2013 được đánh giá khởi sắc hơn năm vừa qua.Ảnh: Reuters
Kinh tế năm 2013 được đánh giá khởi sắc hơn năm vừa qua.Ảnh: Reuters

Mảng tin tình báo kinh tế Statfor của Mỹ lại có bài viết khá lạc quan về tình hình đầu tư được phục hồi đáng kể ở Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm nay, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đạt 11,9 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012. Bài báo cho biết, lần đầu tiên trong nhiều năm, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm lắp ráp, chế tạo như điện thoại di động, thiết bị điện tử đã vượt các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như khoáng sản, dầu thô. Đặc biệt, Việt Nam có ưu thế cạnh tranh tương đối tốt gồm lực lượng lao động trẻ dồi dào, dễ dàng tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ hệ thống cảng biển, ổn định chính trị và các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn sau cải cách mở cửa. Hiện đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chuyển đổi của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước và 40% tổng sản phẩm công nghiệp; đồng thời cũng giúp tạo thêm khoảng 2 triệu việc làm.

Còn Tờ Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall) của Mỹ cho biết, GDP của Việt Nam tăng 5% trong quý hai năm nay, cao hơn 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng sẽ đạt mức 5,5% trong năm nay, cao hơn so với tỷ lệ 5,03% của năm 2012. Tờ báo dẫn một loạt số liệu thống kê thời gian qua cho thấy, xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam đang khởi sắc. Tác giả bài báo cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang cải thiện được niềm tin khi có những bước đi cụ thể để giải quyết các vấn đề vốn là nguyên nhân kéo tốc độ tăng trưởng GDP xuống thấp nhất trong vòng 13 năm qua vào năm ngoái. Wall Street Journal bình luận, Việt Nam đang chứng minh, những thị trường sơ khai (frontier market) có thể đem đến mức lợi nhuận hấp dẫn ngay cả khi các thị trường mới nổi (emerging market) gặp khó khăn.

Trong bản phúc trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được phục hồi năm vừa qua. Đặc biệt, khu vực xuất khẩu có biểu hiện tốt khi hầu hết thị trường mới nổi trong khu vực đang gặp khó khăn vì sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Michael Kokalari (thuộc Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng), “Việt Nam đang chuẩn bị cho những chuyển biến lớn trong năm 2014”.

Một số tờ báo khác như Jakarta Post của Indonesia hay New Delhi Times của Ấn Độ, Strait Times của Singapore đều có chung nhận định: Xét về mặt vĩ mô, nhiều khả năng 2013 sẽ là một năm tươi sáng hơn so với năm 2012 của Việt Nam. Song, Việt Nam có thể làm được nhiều hơn để thu hút đầu tư nước ngoài thông qua đẩy mạnh thực hiện cải cách nhằm giải quyết tình hình nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh...

NAM VIỆT (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế Việt Nam qua báo chí quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO