Kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015): Tăng trưởng trong gian khó

TRỊNH DŨNG 19/03/2015 09:26

Dự báo chỉ có 9/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt, vượt hay xấp xỉ đạt được theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là bức tranh chung của nền kinh tế - xã hội Quảng Nam trong vòng 5 năm qua. Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thời gian đến Quảng Nam cần triển khai các giải pháp nào mang tính đột phá?… Vấn đề này sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức vào ngày mai 20.3.

Những gam màu sáng

Theo Sở KH&ĐT, giai đoạn 2011-2015, giá trị tổng sản phẩm địa bàn tăng bình quân  hàng năm gần 11,5%; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu GRDP tăng từ 78,6% năm 2011 lên 84% năm 2015; thu nội địa tăng bình quân 18%/năm để đạt con số hơn 6.350 tỷ đồng vào năm 2015 là dấu hiệu màu hồng của bức tranh kinh tế - xã hội Quảng Nam trong vòng 5 năm qua. Bức tranh kinh tế này chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện ba mũi đột phá, từ hạ tầng, nhân lực đến cải thiện môi trường đầu tư. Cơ cấu đầu tư công với tổng vốn hơn 76.700 tỷ đồng đã được phân bổ vào khu vực nông nghiệp, nông thôn 86%, đô thị 14% hoặc khu vực đồng bằng 70% và miền núi 30% nguồn lực. Đáng chú ý là có khoảng 62% tổng vốn đầu tư công được đầu tư vào giao thông, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt từ quốc lộ đến tỉnh lộ và từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện, thành phố và trung tâm xã. Những con đường nông thôn lầy lội, nắng bụi, mưa lầy đã được bê tông hóa từ 49% lên đến 66% với 1.500km, nâng tổng số đường nông thôn bê tông hóa lên hơn 4.200km.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư 5 năm qua. Ảnh: T.DŨNG
Khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư 5 năm qua. Ảnh: T.DŨNG

Không chỉ hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hóa - xã hội cũng đã tạo nên diện mạo mới. Nhà văn hóa, bảo tàng, di tích trùng tu, trường học và bệnh viện cùng nhiều đề án đào tạo, thu hút bác sĩ, bồi dưỡng cán bộ, công chức… đã góp phần quan trọng thức đẩy sự phát triển về mọi mặt. Hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư đã được đưa ra. Cụ thể nhất là cơ chế “một cửa liên thông” hay đối thoại doanh nghiệp thường kỳ hàng tháng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng… được xem như giải pháp có tính chiến lược đã được cộng đồng đón nhận và cho điểm về năng lực điều hành của chính quyền.

Tăng trưởng nổi bật phải kể đến là sự đóng góp của khu vực công nghiệp và dịch vụ luôn duy trì được đà tăng trưởng trong suốt mấy năm qua với sự gia tăng của các ngành chế biến, chế tạo gắn với xuất khẩu. Chỉ trong vòng 5 năm qua, hơn 3.200 doanh nghiệp đã được thành lập. Trung bình mỗi năm ra đời khoảng 640 doanh nghiệp, nâng số doanh nghiệp lên gần 4.800, giải quyết việc làm cho 120 nghìn lao động. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi tăng dần lên hàng năm, từ 46,5% năm 2013 lên 49% năm 2014. Các doanh nghiệp này đã đóng góp 90% thu ngân sách, trong đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp trên 60%. Khu vực FDI cũng đóng góp đáng kể với 39 doanh nghiệp được thành lập trong vòng 5 năm, nâng số dự án lên 107 với tổng mức đầu tư, đóng góp bình quân hàng năm hơn 500 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và hơn 70% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào hai khu vực kinh tế này đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Nổi bật nhất trong vòng 5 năm qua là nhiều chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo về hỗ trợ đất, nhà ở, phát triển… đã được triển khai. Hơn 7.000 tỷ đồng đổ vào khu vực này đã đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 24,1% năm 2010 xuống 12,1% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm hơn 2,8%. Dự kiến đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chiếm dưới 9,5%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Không như mong đợi

Theo nhận định của nhóm UN-Habitat Việt Nam (Tổ chức Định cư, con người của Liên hiệp quốc tại Việt Nam) khi xác lập chiến lược phát triển cho Quảng Nam, hiện chỉ có khoảng 6 chỉ tiêu đạt và vượt, 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, còn lại 12 chỉ tiêu khác dù tốc độ có tăng, chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thấp hơn 2% so với chỉ tiêu đề ra (13,5%). Quy mô nền kinh tế có tăng trưởng nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. GDP bình quân đầu người còn thấp so với cả nước khi chỉ chiếm hơn 41 triệu đồng/người so với 49 triệu đồng/người. Thực tế công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và tiểu thủ công nghiệp ở nấc thang thấp. Thiếu công nghiệp hỗ trợ nên chưa thể tận dụng cơ hội của hội nhập, chưa hấp dẫn FDI và xuất khẩu hạn chế. Sự hạn hẹp của ngân sách không đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về xã hội và môi trường. Nhiều công trình thiếu vốn, bị buộc phải dừng lại nhiều năm khiến hệ số đầu tư ngày càng tăng cao. Chỉ số cạnh tranh trên đà suy giảm, thiếu hụt nguồn lao động đủ trình độ đáp ứng sự phát triển đa ngành… chính là một trong những nút thắt phát triển bền vững. Phúc lợi xã hội vẫn chủ yếu dựa vào chính sách và ngân sách trung ương. Mối liên kết nông thôn và thành thị còn nhiều khoảng trống, thiếu khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thiếu sự phân bổ đầu tư hợp lý và lợi ích vào phát triển địa phương đã dẫn đến chất lượng giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, tỷ lệ nghèo cao…

 Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, không thể tìm đâu ra mặt hàng chủ lực để gia tăng xuất khẩu. Vấn đề chưa có một hoạch định chiến lược, thiếu luận cứ khoa học để đưa ra các định hướng phát triển xuất khẩu cho các nhóm, ngành hàng chiến lược hay ngành hàng có tiềm năng trong tương lai; không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu thô và chế biến nhập khẩu mà cả ngành công nghiệp chế biến Quảng Nam và mạng lưới tiêu thụ các nguyên liệu phục vụ thị trường nội địa cũng đều do các doanh nghiệp quốc tế chi phối. Khoa học công nghệ có đề án nhưng bao giờ mới đưa được về nông thôn vẫn đang là câu chuyện bàn cãi. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN thừa nhận, nông nghiệp đang chiếm ưu thế phát triển và đa số việc ứng dụng công nghệ và khoa học vào nông nghiệp hiện rất sơ sài. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, các nhà đầu tư thường hay than phiền về việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Tất cả nỗ lực đầu tư, đào tạo hay cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện một cách đồng bộ, sáng tạo mới mong sớm nhìn thấy sự tăng trưởng nhanh và bền vững của Quảng Nam.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015): Tăng trưởng trong gian khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO