Kinh tế - xã hội Quảng Nam năm 2023: Nỗ lực về đích

TRỊNH DŨNG 13/11/2023 06:48

Chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan quản lý, địa phương tìm mọi phương cách để hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất sự suy giảm kinh tế.

Nhiều dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công không thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn... nên không thể đưa vốn vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: T.D
Nhiều dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công không thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân vốn... nên không thể đưa vốn vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: T.D

Không hết nỗi lo

Thống kê của UBND tỉnh cho thấy các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thu ngân sách… cho thấy nền kinh tế địa phương vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn.

Nông, lâm, thủy sản, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tỷ trọng các ngành ngày nhỏ, không thể bù đắp được sự thiếu hụt của ngành chủ lực, động lực chính để phát triển kinh tế địa phương là công nghiệp và đầu tư công.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT-DL nói ngành du lịch đã đạt đến gần 90% kế hoạch, nhưng so với cùng kỳ vẫn chưa thấy dấu hiệu khởi sắc. Không ít doanh nghiệp (lưu trú và lữ hành) đã phải rời bỏ thị trường và nhiều nhà hàng, khách sạn, bất động sản du lịch khác nhau đã bị các ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ.

Theo nhận định của Sở KH-ĐT, ngay trong tháng 10/2023, ít nhiều điểm sáng kinh tế xuất hiện. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp đã tăng 18,1% so tháng trước, nhưng sự suy sụp kéo dài nhiều tháng qua, đã khiến sự tăng trưởng này không đủ lực để “hóa giải” suy giảm.

Thống kê 10 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm đến 28,8% (khai khoáng giảm 0,4%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu đến 30,4%). Các sản phẩm chủ lực như bia các loại giảm 34% (34,4 triệu lít), ô tô các loại giảm 49% (51,5 nghìn chiếc), mạch điện tử tích hợp giảm 26% (3,8 tỷ chiếc)...

Sản xuất, kinh doanh đình đốn. Nhiều năm qua, xuất nhập khẩu địa phương phục thuộc quá nhiều vào sự vận hành sản xuất của ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Một khi tập đoàn Trường Hải không thể tăng trưởng như kế hoạch đã định, khiến tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giảm theo.

Trong vòng 10 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 26,7% so cùng kỳ năm 2022 (kim ngạch xuất khẩu hơn 1,4 tỷ USD, giảm 15,3% và kim ngạch nhập khẩu 1,7 tỷ USD, giảm 32,6%).

Thu ngân sách cũng không thể nào khác khi thị trường và sức khỏe doanh nghiệp bất ổn. Tổng thu ngân sách chỉ đạt khoảng 56% dự toán (15.041 tỷ đồng), gồm: thu nội địa 12.782 tỷ đồng (61% dự toán) và thu xuất nhập khẩu 2.160 tỷ đồng (37% dự toán).

Đầu tư công còn hạn chế hơn, không thể đảm đương nổi vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong cơn suy thoái. Cơ quan quản lý đã điều chuyển hơn 314 tỷ đồng vốn đầu tư, tiến độ giải ngân tháng 10 có tăng thêm 464 tỷ đồng so tháng 9, nhưng tỷ lệ giải ngân cũng chỉ dừng ở mức gần 4.600 tỷ đồng/9.900 tỷ đồng. Đây là con số giải ngân thấp nhất so với 63 tỉnh thành. Số còn lại, dù nỗ lực đến mấy cũng sẽ không tài nào thực hiện hết.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay các chính sách, cơ chế đã góp phần giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp địa phương trên đà hồi phục. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được nhiều hợp đồng, đơn hàng mới...

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng của địa phương. Xuất, nhập khẩu giảm, giải ngân thấp, không đạt kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp không thu xếp được dòng tiền sản xuất, kinh doanh, trả nợ, lao động mất việc trở nên phổ biến là chỉ dấu cảnh bảo về sự bất an của nền kinh tế địa phương.

Khắc phục thế nào?

Những thống kê kinh tế nêu trên sẽ không dễ dàng “lội ngược dòng” để có thể chạm đích kế hoạch. Con số GRDP 7,5 – 8% chắc chắn sẽ không thể nào đạt được.

Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho biết sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc, có thêm nhiều điểm tựa, khi nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới, tiêu dùng sẽ tăng. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có xu hướng tích cực, lạc quan hơn khi có gần 40 doanh nghiệp được khảo sát dự báo hai tháng còn lại của năm sẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn... Nhưng tăng trưởng kinh tế sẽ không đạt mức khả quan cao nhất khi đã giảm sâu như hiện tại...

Xuất nhập khẩu suy giảm khiến nền kinh tế thiếu động lực phát triển. Ảnh: T.D
Xuất nhập khẩu suy giảm khiến nền kinh tế thiếu động lực phát triển. Ảnh: T.D

Không hy vọng vào tăng trưởng, ánh sáng duy nhất của nền kinh tế được soi vào là liệu thu ngân sách có chạm kế hoạch không? Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế nói thu ngân sách nội địa hiện tại cộng với các khoản gia hạn của Trường Hải và doanh nghiệp khác sẽ nộp ngay trong tháng 11/2023 thì cũng đã đạt 84%. Con số dự toán đã ấn định khoản 20.880 tỷ đồng vẫn có đủ khả năng để đạt được khi kết thúc năm 2023.

Chính quyền và cơ quan quản lý địa phương sẽ dựa vào động lực nào để đưa nền kinh tế địa phương về đích đúng kế hoạch, khi chỉ còn 2 tháng cuối năm đối diện với không ít khó khăn?

Ông Nguyễn Quang Thử cho hay, xung lực dễ nhận diện nhất là đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế nhanh nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Cơ quan quản lý đang rà soát, trình cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn.

Không chỉ gia tăng tiến độ đầu tư, thi công, giải ngân, chính quyền, cơ quan quản lý sẽ nỗ lực cao độ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo thẩm quyền của từng sở, ngành, địa phương để họ có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tùy theo chức phận, trách nhiệm phân công để thực thi sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công đầu tư, giải ngân mạnh hơn...

Ngân hàng cần khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực để sản xuất, kinh doanh hai tháng cuối năm, không thể để tình trạng doanh nghiệp đói vốn kéo dài, triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế.

Các sở, ngành xúc tiến các hoạt động thương mại, du lịch, xây dựng kế hoạch thu hút khách, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp hoặc trên các sàn thương mại điện tử, bình ổn thị trường, ứng phó thiên tai để bảo vệ “thành quả kinh tế mong manh”...

“Hai tháng còn lại sẽ rất khó khăn khi thời tiết bất lợi. Không hy vọng và cũng không thể nào đạt đến mức tối đa của giải ngân, tăng trưởng hay những khó khăn, vướng mắc của nền kinh tế sẽ được giải quyết hết. Không còn cách nào khác hơn là nỗ lực hết mức để có thể hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, giảm thiểu hết mức có thể sự suy giảm của nền kinh tế và thu ngân sách đạt dự toán...” - ông Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế - xã hội Quảng Nam năm 2023: Nỗ lực về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO