Kinh tế xanh

12/02/2013 10:59

Nghề tằm tang, hay trồng lúa, cà phê, tiêu, điều… để phục vụ chế biến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, thảy đều dựa trên môi trường phát triển nông nghiệp - nông thôn. Và, những sản phẩm hàng hóa từ nền kinh tế thân thiện với môi trường sẽ xây dựng được thương hiệu bền vững.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đối với các nước vốn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp thì việc đầu tư phát triển lĩnh vực này hiện đang được chú trọng. Đặc biệt, trong tình hình diễn biến khí hậu toàn cầu những năm qua rất khắc nghiệt và dự đoán sẽ tiếp tục trầm trọng hơn thì các phương án đối phó với thảm họa thiên tai cũng như giải pháp cho phát triển nông nghiệp xanh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bởi vậy, chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đặt ra ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh. Đi theo hướng này không những góp phần sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường mà còn làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Tại hội nghị khu vực châu Á bàn về đảm bảo nguồn an ninh lương thực tại Hà Nội trong năm 2012, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO), ông Jose Graziano da Silva, đã nhấn mạnh đến chính sách tăng cường sản xuất nông nghiệp trong mối quan hệ hài hòa với môi trường là trọng tâm của hướng tiếp cận mới theo chủ trương của FAO. Người đứng đầu FAO phát biểu: “Thách thức toàn cầu số một là xóa đói và cải thiện an ninh lương thực. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tiếp cận lương thực tốt hơn và tăng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong khi cần đảm bảo quản lý bền vững hệ sinh thái và phát triển những mô hình hứa hẹn hiện có”.

Việt Nam là một nước hiện còn khoảng 75% dân số làm nông nghiệp, đất trồng trọt và đất rừng chiếm 60% diện tích lãnh thổ. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là con đường chiến lược bền vững. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2012, Việt Nam đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo với 7,7 triệu tấn. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2012 cũng đứng ở tốp đầu thế giới. Thương hiệu của các loại sản phẩm kể trên có được bền vững hay không, thì ngoài yếu tố xúc tiến thị trường còn phụ thuộc vào quá trình sản xuất theo hướng xanh.

Theo PGS-TS. Phan Sĩ Mẫn cùng cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), cần có nhiều giải pháp từ truyền thông, chính sách tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường... để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Hành động phục tráng những loài cây trồng gắn với làng nghề truyền thống, hồi sinh những cánh rừng, phát triển những loại cây con mới để phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến… là cách gầy dựng  nơi “xuất xứ” xanh cho những thương hiệu hàng hóa, trước hết từ nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO