Các mỏ cát ở Đại Lộc, Duy Xuyên khai thác cầm chừng?

GIA KHANG 04/03/2023 14:22

(QNO) - Sau hơn một tháng đóng cửa, những ngày qua một số bãi cát trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên đã hoạt động trở lại, dù vậy lượng cát cung ứng dường như khá hạn chế.  

Dù đã hoạt động trở lại nhưng khối lượng cát khai thác không nhiều. Ảnh: G.K
Dù đã hoạt động trở lại nhưng khối lượng cát khai thác không nhiều. Ảnh: G.K

Từ 4 ngày trước, bãi cát dưới chân cầu Giao Thủy (xã Đại An, huyện Đại Lộc), bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy chưa tấp nập như thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng cũng đã bắt đầu nhộn nhip. Trên bến, những chiếc xe múc chậm rãi chuyển cát từ ghe đưa lên vun thành đống. Cách bờ không xa vài chiếc ghe lớn đang neo đậu hút cát giữa dòng.

Một người đàn ông làm việc tại bến cát cho biết, bãi mới mở cửa từ 3 ngày trước, chủ yếu cung cấp cát cho người dân trong vùng nên số lượng không nhiều, giá bán tại bãi cũng không cao, chỉ 160 nghìn đồng/khối.

v
Ghe khai thác cát khu vực dưới chân cầu Giao Thủy. Ảnh: G.K

Theo ông Võ Ngọc Tốt – Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc, trên địa bàn huyện Đại Lộc hiện có 3 mỏ cát còn thời hạn khai thác là Công ty Pha Lê (xã Đại Sơn), Công ty Trường Lợi (xã Đại Hồng) và Công ty Quang Cử (xã Đại Hòa). Mỗi năm, 3 mỏ này được cấp phép khai thác khoảng 170 nghìn khối cát và 140 nghìn khối sỏi. Ngoài ra còn có một bến bãi tập kết cát dưới chân cầu Giao Thủy, xã Đại An.

Bắt đầu từ ngày 22/2/2023 một số bãi cát trên địa bàn huyện đã mở cửa trở lại. Cụ thể, mỏ Pha Lê mở ngày 22/3, mỏ Trường Lợi mở ngày 26/2, riêng bãi cát dưới chân cầu Giao Thủy hoạt động lại từ ngày 1/3, chủ yếu tập kết cát khai thác từ khu vực xã Duy Hòa (Duy Xuyên) chuyển sang.

“Tổng số lượng khai thác đúng công suất cho phép, kể cả giá bán cũng theo quy định niêm yết tại bãi, nên nhìn chung lượng cát hiện nay tương đối đủ cung ứng cho thị trường” - ông Tốt khẳng định.

[VIDEO] - Hoạt động khai thác cát tại Đai Lộc:

Ngày 7/12/2022, theo Quyết định 466 ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời gian thanh tra 60 ngày kể từ ngày công bố quyết định.

Tiếp đến, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cũng tiến hành thu thập tài liệu, dữ liệu khai thác cát của một số doanh nghiệp tại huyện Đại Lộc và Duy Xuyên để xem xét việc thực hiện đúng quy định trong quá trình khai thác. Sau thời điểm này, hầu như các mỏ cát cũng đóng cửa ngừng hoạt động.

v
Cát vẫn còn khan hiếm trên thị trương. Ảnh: G.K

Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cát, sỏi cung cấp cho các công trình và ổn định nhu cầu sử dụng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, ngày 20/2/2023, Sở TN-MT Quảng Nam đã có công văn đề nghị UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động khai thác phải có lý do chính đáng phải có văn bản gửi về Sở TN-MT để tổng hợp báo cáo tỉnh chỉ đạo.

Mặc dù một số mỏ cát đã mở cửa trở lại, tuy nhiên qua tìm hiểu hầu như công suất khai thác rất thấp. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, các chủ mỏ đang cố tình găm hàng tạo sự khan hiếm trên thị trường. Một chủ bãi tập kết cát tại Điện Phước (Điện Bàn) thừa nhận, hiện nay chủ yếu mua cát từ Đại Lộc chở về nhưng số lượng rất hạn chế, không đủ cung ứng cho khách hàng. “Mua ít thì được chứ mua nhiều họ không bán nên mình cũng chịu” - người này nói.    

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các mỏ cát ở Đại Lộc, Duy Xuyên khai thác cầm chừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO