Tự soi mình, thực thi trách nhiệm là điều tiên quyết để cải thiện năng lực điều hành kinh tế địa phương.

Giảm bậc nhưng tăng điểm
Công bố PCI 2022, Quảng Nam lọt vào tốp 30 tỉnh, thành có năng lực điều hành kinh tế tốt nhất Việt Nam. Tổng điểm số đã tăng từ 66,24 lên 66,62 điểm, nhưng giảm bậc từ vị thứ 19 xuống 22 so năm 2021.
Phân tích dữ liệu, so sánh năm 2021, PCI 2022 của Quảng Nam có 4 chỉ số thành phần tăng điểm, thăng hạn. Đó là gia nhập thị trường, từ 7,05 điểm (hạng 25) lên 7,19 điểm (hạng 19); tiếp cận đất đai, từ 7,16 điểm (hạng 27) lên 7,23 điểm (hạng 16); tính minh bạch, từ 5,32 điểm (hạng 55) lên 6,35 điểm (hạng 15) và tính năng động của chính quyền, tăng từ 6,55 điểm (hạng 47) lên 6,90 điểm (hạng 19).
Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm, tụt hạng, bao gồm: chi phí thời gian, từ 7,79 điểm (hạng 19) xuống 7,61 điểm (hạng 22); chi phí không chính thức, từ 7,48 điểm (hạng 14) xuống 7,03 điểm (hạng 30); cạnh tranh bình đẳng, từ 6,63 điểm (hạng 16) xuống 5,98 điểm (hạng 35); đào tạo lao động, từ 6,24 điểm (hạng 19) xuống 5,35 điểm (hạng 38); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, từ 7,87 điểm (hạng 5) xuống 7,74 điểm (hạng 23).
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm điểm, nhưng đồng hạng (từ 7,06 điểm xuống 5,90 điểm, hạng 26). Không có chỉ số thành phần nào của địa phương góp mặt vào tốp 10.
Từ năm 2021 Quảng Nam đã đặt mục tiêu nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có thứ hạng hàng đầu, đạt từ 70,5 điểm trở lên. Bao gồm 4/10 chỉ số thuộc tốp 5: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,83 điểm), tính năng động (7,78 điểm), tiếp cận đất đai (7,56 điểm), tính minh bạch (7,22 điểm); 3/10 chỉ số thuộc tốp 10: gia nhập thị trường (8,25 điểm), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,05 điểm) và chi phí không chính thức (6,63 điểm); 3/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 15: chi phí thời gian (7,25 điểm), cạnh tranh bình đẳng (6,70 điểm) và đào tạo lao động (6,77 điểm).
Kế hoạch cải thiện đã không thể thực hiện (trừ chi phí thời gian, chi phí không chính thức tăng điểm, nhưng không thuộc tốp đã dự định). Định hướng đến 2025 có tổng điểm từ 72 điểm trở lên với 6/10 chỉ số nằm tốp 5 và 4/10 chỉ số nằm tốp 10 không dễ dàng thực hiện.
Năm thứ ba liên tục Quảng Nam tụt hạng (2020 - 2022) và nằm trong 33 tỉnh, thành tụt bậc trên bảng xếp hạng.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, doanh nghiệp ghi nhận chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã chuyển biến, tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn, nhiều loại thông tin, tài liệu đã minh bạch hơn tuy vẫn còn nhiều doanh nghiệp đồng ý nhận định thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh và chi phí không chính thức lại tăng. Tuy nhiên, điểm số của địa phương cao hơn điểm trung vị thường niên (65,22 điểm) và điểm gốc PCI (65,67 điểm).
Việc điểm PCI gốc tiếp tục gia tăng cho thấy về dài hạn các cải cách vẫn đi đúng hướng và khía cạnh cơ bản của việc điều hành kinh tế cấp tỉnh địa phương vẫn có nhiều cải thiện.
Sự giảm điểm rõ rệt của chỉ số “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” có thể phản ánh quan ngại của cộng đồng doanh nghiệp khi họ đặt quá nhiều kỳ vọng vào các chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh sau COVID-19, nhưng không thể đáp ứng được trong thẩm quyền của địa phương.
Những thông số trên là chỉ số để chính quyền xem xét những chuyển động của chính sách có ảnh hưởng thế nào, chất lượng điều hành chuyển biến ra sao để có thể thay đổi cho phù hợp, không phải để chứng minh thành tích.
Chỉ là kênh tham khảo
Sau 18 năm tham dự vào cuộc đua điểm số, thứ hạng, PCI địa phương diễn biến theo hình sin. Lúc leo lên đỉnh cao, lúc rớt hạng. Nhưng chỉ số này không quyết định được sự thành, bại của năng lực điều hành kinh tế địa phương.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, để xây dựng thương hiệu địa phương mạnh thì PCI cũng chỉ là một trong những kênh để tham khảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, không một ai đứng ngoài cuộc cải cách. Điểm số hay thứ hạng PCI là một trong những điểm để tham khảo, chưa thể quyết định sự thành công hay thất bại của năng lực điều hành kinh tế địa phương.
Hơn ai hết chính quyền hiểu doanh nghiệp đóng đến 60 - 70% số thuế vào ngân sách, tạo ra việc làm, của cải cho xã hội thì dĩ nhiên sẽ phải tạo điều kiện cho lực lượng này phát triển. Tuy nhiên, không thể có chính sách hay cơ chế nào làm thỏa mãn tất cả.
Trong khi đó, khảo sát PCI chỉ lựa chọn gần 200 trong số hơn 8.000 doanh nghiệp địa phương để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền dựa trên cảm nhận của doanh nghiệp. Vậy có cần thiết phải kỳ vọng hay cố đạt mục tiêu điểm số và thứ hạng PCI cao nhất?
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, giá trị thực của PCI không nằm ở xếp hạng. Thăng, giảm bậc, điểm số hàm chứa ý nghĩa cần tạo ra những cuộc đối thoại thiết thực, thúc đẩy cải cách, tạo ra sự thay đổi.
Có thể hiểu, PCI cũng chỉ là kênh tham khảo để nhận thấy điểm mạnh, yếu cần cải thiện. Chỉ số ấy không phải là kết quả cuối cùng để đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương. Có lẽ chẳng doanh nghiệp nào phàn nàn nếu như tất cả chủ trương, chính sách hợp lý của chính quyền tỉnh có người thừa hành, thực thi đủ năng lực, tôn trọng các “hợp đồng” đã cam kết với doanh nghiệp, dân chúng trước sự công minh và áp dụng nhất quán luật pháp.
Cải cách “dựng lại người”, tạo năng lực thừa hành của đội ngũ cán bộ cần thời gian để thay đổi và chuyển hóa một cách năng động hơn. Khái niệm “chính việc”, xây dựng lương tâm chức nghiệp, “người nào, việc ấy” thì hiệu lực cải thiện sẽ dễ nhìn thấy.
Theo bà Trương Thị Yến Ngọc - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp, chỉ cần mỗi cấp, ngành, đơn vị, công chức, viên chức cố gắng thực hiện chức trách công vụ của mình tốt nhất, thực chất thì doanh nghiệp sẽ hài lòng, ghi nhận.