Chạy đua thời gian phê duyệt dự án

TRỊNH DŨNG 18/08/2022 14:20

Thời hạn cuối cùng phải chuyển hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Bộ KH&ĐT trình Chính phủ trước 30.8.2022. Liệu Sở Y tế có kịp hoàn tất việc lập báo cáo đề xuất để trình thẩm định phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư đã được phân giao khi chỉ còn 14 ngày nữa là kết thúc?

Cuộc họp bàn về tiến độ triển khai lập báo cáo, trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: T.D
Cuộc họp bàn về tiến độ triển khai lập báo cáo, trình thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: T.D

Ngày 1.8, Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn đầu tư cho các dự án y tế tại Quảng Nam 296 tỷ đồng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ba ngày sau (4.8), UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế cấp huyện và 76 trạm y tế tuyến xã (riêng trạm y tế có thêm mục mua sắm trang thiết bị). Tất cả hồ sơ sẽ phải gửi Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng trước ngày 30.8.

Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ khi nhận được công văn từ trung ương đến khi hoàn tất hồ sơ báo cáo đề xuất là khoảng thời gian “căng thẳng”, ít có tiền lệ cho các chủ đầu tư. Trong khi những dự án đầu tư công dù đơn giản nhất cũng phải thông qua nhiều quy định nghiêm ngặt, chuyển qua lại nhiều cơ quan, để có thể thành hình một hồ sơ dự án.

Phiên họp chiều ngày 15.8, có đủ những người trách nhiệm của ngành y tế địa phương và các cơ quan thẩm định, Sở Y tế thông báo ngày 15.8 đã hoàn thành khảo sát thực địa. Ngày 18 – 20.8 sẽ hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và ngày 21 - 22.8 sẽ trình báo cáo đề xuất chủ trương cho Sở KH&ĐT.

Kế hoạch lập, trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, về lý thuyết sẽ đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, một số trung tâm y tế như Hiệp Đức lại xin chuyển danh mục hoặc như Tây Giang lo ngại thời gian quá gấp sẽ không thể thực hiện được.

Ông Đoàn Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay việc thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn chỉ 2 ngày cơ bản sẽ xong. Nhưng hồ sơ liên quan đến việc lấy ý kiến các ngành, nhất là thẩm định suất đầu tư của việc mô tả hiện trạng cải tạo 76 trạm y tế sẽ gặp khó khăn bởi sự vòng vèo của các quy trình đầu tư công buộc phải tuân thủ.

Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khối lượng nhiều, nhưng thời gian quá ngắn cho các bước thẩm định. Có thể việc góp ý về quy hoạch, chỉ tiêu xây dựng, quy mô công trình đầu tư 5 trung tâm y tế cấp huyện sẽ dễ, nhưng với sửa chữa, nâng cấp 76 trạm y tế sẽ khó, tốn nhiều thời gian để ra tổng mức đầu tư.

Nếu hồ sơ dự án không kỹ, vượt tổng mức đầu tư sẽ gặp khó khăn vì dự án này không có bất cứ nguồn nào để bổ sung. Chất lượng hồ sơ quyết định việc thẩm định nhanh hay chậm.

Liệu có đủ thời gian để thực hiện khi quy mô dự án Chính phủ giao lớn, diễn ra cùng lúc, thực hiện trên địa bàn rộng, thời gian gấp rút? Ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế cho hay đã đề nghị Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị tư vấn và các ngành liên quan phối hợp.

Sở Y tế, nhà đầu tư, tư vấn tận dụng lại một số thông tin các dự án trạm y tế đã khảo sát trước đây, kết hợp tái kiểm tra để cùng hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sát thực tế, phù hợp với mục tiêu, quy mô đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói còn quá ít thời gian để thực hiện, không thể trù trừ được. Sở Y tế huy động tổng lực, đến ngày 20.8.2022 phải hoàn tất hồ sơ báo cáo Sở KH&ĐT. Hồ sơ nào xong là gửi ngay, không phải đợi toàn bộ xong mới gửi đi.

Theo ông Tân, chỉ làm hồ sơ đơn giản vì chỉ mới giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư để kịp trình. Sẽ đề xuất họp HĐND bất thường để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau khi HĐND phê duyệt, trình lên trung ương, nếu hồ sơ, dự án thiếu sẽ được điều chỉnh, bổ sung cụ thể khi UBND tỉnh phê duyệt đầu tư dự án. Cơ quan nào (Sở Y tế, KH&ĐT, Xây dựng...) trễ sẽ phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chạy đua thời gian phê duyệt dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO