Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực

QUỐC HƯNG 15/11/2020 15:30

(QNO) - Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết vào sáng nay 15.11 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Các Bộ trưởng phụ trách về kinh tế và thương mại của 15 quốc gia thành viên RCEP ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký thỏa thỏa thuận này trước sự chứng kiến trực tuyến của lãnh đạo các nước.

Khi đi vào hiệu lực, RCEP sẽ trở thành một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, với mục tiêu giảm dần thuế quan nhiều mặt hàng của các nước thành viên trong vòng những năm tới.

Thỏa thuận cũng giúp mở cửa thương mại dịch vụ và thúc đẩy đầu tư để các nền kinh tế mới nổi bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp bằng cách cho phép họ xuất khẩu sản phẩm ở bất kỳ đâu trong khối mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt cho từng quốc gia.

Với 2,3 tỷ người dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 22,6 nghìn tỷ USD, Hiệp định RCEP bao gồm 15 thành viên (10 quốc gia khối ASEAN: Singapore, Lào, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia và Việt Nam cùng 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), chiếm xấp xỉ 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Như vậy, RCEP cũng là hiệp định thương mại tự do đa phương thứ hai của khu vực tại châu Á, sau Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương bao gồm 11 quốc gia thành viên, gọi tắt CPTPP-11 được chính thức ký kết vào tháng 3.2018 tại thành phố Santiago của Chile.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lễ ký kết Hiệp định RCEP là một dấu mốc lịch sử, đánh dấu việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai nhưng cũng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả nước trong khu vực.

Thủ tướng cũng tin rằng, RCEP sẽ sớm được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân và doanh nghiệp của tất cả nước thành viên.

Thỏa thuận sẽ xóa bỏ tới 90% thuế nhập khẩu giữa các bên tham gia trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ trong khu vực.
Thỏa thuận RCEP sẽ xóa bỏ tới 90% thuế nhập khẩu giữa các bên tham gia trong vòng 20 năm, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ trong khu vực.

Hiệp định bao gồm 20 chương với các quy định cụ thể từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, hợp tác kinh tế và kỹ thuật đến mua sắm của chính phủ. 

Trước buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Thương mại Malaysia - Mohamed Azmin Ali nói: “Sau 8 năm đàm phán bằng mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta đã đi đến thời điểm mà chúng ta sẽ ký Hiệp định RCEP”. Ông Mohamed Azmin Ali cho biết, thỏa thuận này gửi đi một tín hiệu rằng các nước RCEP đã chọn mở cửa thị trường vì sử dụng các biện pháp bảo hộ trong thời điểm khó khăn này.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định: “Hiệp định RCEP là một bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại”.

Cũng theo nhà lãnh đạo Singapore, việc ký kết RCEP cho thấy cam kết tập thể của các quốc gia thành viên đối với việc duy trì các chuỗi cung ứng mở và kết nối, đối với việc thúc đẩy thương mại tự do hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh đối phó với đại dịch Covid-19, các nước trở nên hướng nội và theo xu hướng bảo hộ hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO