Doanh nghiệp chờ thực thi chính sách gia hạn thuế

TRỊNH DŨNG 01/04/2020 05:46

Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất không chỉ định lượng bằng vật chất mà còn như sự động viên, chỗ dựa tinh thần cho doanh nghiệp. Nhưng chính sách bao giờ được thực thi là chuyện vẫn phải chờ từ quyết định của Chính phủ.

Sản xuất ô tô, may mặc, chế biến thủy hải sản... là những ngành nghề thuộc diện được gia hạn theo dự thảo chính sách gia hạn thuế.
Sản xuất ô tô, may mặc, chế biến thủy hải sản... là những ngành nghề thuộc diện được gia hạn theo dự thảo chính sách gia hạn thuế.

Sẽ được gia hạn thuế, tiền thuê đất

Không như dự thảo lần trước, gói hỗ trợ thuế sẽ được nâng từ 30.000 tỷ đồng lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Điểm mới nhất của dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính trình Chính phủ hôm 26.3.2020 là ngoài 3 loại thuế sẽ được gia hạn là thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiền thuê đất đã được bổ sung cả giãn nợ thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán năm 2019 và số thuế TNDN tạm nộp của quý I&II năm nay sẽ được lùi đến 31.8.2020 thay vì ngày 31.3.2020. Tất cả loại thuế trên đều được gia hạn đến 5 tháng.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, doanh nghiệp chỉ cần xác định có được nằm trong đối tượng gia hạn hay không. Nếu có, khi Chính phủ thông qua chính sách gia hạn thuế, doanh nghiệp cần có đơn gia hạn (chỉ 1 lần gửi giấy đề nghị) gửi đến cơ quan thuế cho toàn bộ các kỳ được gia hạn, chậm nhất vào ngày 30.7.2020. Cơ quan thuế sẽ xem xét giải quyết gia hạn cho doanh nghiệp!

Thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3,4,5&6 (khai theo tháng) và số thuế GTGT phải nộp của tháng 5 được chậm đến ngày 20.9.2020, của tháng 6 là ngày 20.10. Còn hạn chót nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý I được lùi đến ngày 30.9.2020 và quý II là ngày 30.12.2020. Thuế hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nộp thuế được gia hạn trước ngày 15.12.2020. Gia hạn về tiền thuê đất 5 tháng, kể từ ngày 31.5.2020.

Theo dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn gần như cho tất cả doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, sản xuất.

Cụ thể, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động dịch vụ có liên quan; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, sản xuất trang phục, giày, dép, các sản phẩm từ cao su; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống).

Vận tải đường sắt, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không, dịch vụ kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải.

Ngành du lịch gồm lưu trú, dịch vụ ăn uống, các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Không chỉ vậy, các ngành (không đưa vào dự thảo trước) như giáo dục đào tạo, y tế, hoạt động trợ giúp xã hội, sáng tác, nghệ thuật, giải trí, thể thao, các vườn bách thảo, bách thú, khu bảo tồn tự nhiên, các công viên vui chơi, công viên chủ đề, chiếu phim… đã được đưa vào diện được hỗ trợ.

Ngoài ra, toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, không phân biệt ngành nghề đều được gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất như nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay nội dung dự thảo nghị định lần nay là những giải pháp cấp bách khi những ngành nghề, lĩnh vực kể trên đều bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19, sẽ sớm được ban hành.

Vẫn phải chờ đợi

Theo nhận định của thương giới, việc giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế… đến 5 tháng là một dấu mốc quan trọng.

Ông Huỳnh Tấn Châu (giám đốc một công ty ở Duy Xuyên) khẳng định doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh trong cơn bão dịch này đã là thành công. Việc gia hạn nộp thuế là một động thái kịp thời và cần thiết. Chính sách này có hiệu lực ngay sẽ đem lại một nguồn khá lớn cho doanh nghiệp khi họ có thể có thêm một số tiền lớn trong 5 tháng để tiếp tục duy trì sản xuất. Trách nhiệm của cơ quan thực thi phải thực hiện cho minh bạch và công bằng, tránh lạm dụng chính sách.

Ông Văn Công Mẫn - Giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Việt Quang nói, gần như hai tháng nay doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cầm cự chờ qua cơn dịch bệnh.

“Khi ngừng sản xuất quay lại hoạt động là điều không dễ dàng. Sự hỗ trợ kịp thời như một liệu pháp tinh thần động viên, góp lửa cho doanh nghiệp tìm cách trụ lại thị trường vì họ thấy mình không bị bỏ rơi. Nhưng doanh nghiệp cần nhất vẫn là chuyện nghị định này sớm được công bố và thực thi trên thực tế” - ông Mẫn nói.

Dự thảo nghị định từ Bộ Tài chính đã được gửi trình lên Chính phủ. Mọi chính sách đều mang tầm vĩ mô, quyết định từ cấp trung ương. Doanh nghiệp chờ đợi sự thông qua, nhưng chưa biết bao giờ sẽ hiện thực. Phía cơ quan quản lý thuế địa phương đã sẵn sàng kế hoạch để triển khai chính sách.

Theo ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, mọi thông tin liên quan đến chính sách miễn, giảm, hoãn, giãn, gia hạn thuế do ảnh hưởng dịch Covid-19 chỉ mới được Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, cho đến giờ này (ngày 31.3.2020), vẫn chưa có quyết định chính thức nên Cục Thuế vẫn chưa tiến hành các bước theo kế hoạch. Cơ quan thuế vẫn chưa được biết cụ thể về chuyện sẽ giãn, miễn, gia hạn những điều gì… để có thể làm con số thống kê định lượng bao nhiêu doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, với số tiền gia hạn là bao nhiêu.

“Nếu có chủ trương, sẽ triển khai ngay các bước công việc. Nhưng hiện tại chưa biết cụ thể, chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ, nên đành phải chờ. Hệ thống ngành thuế có đủ dữ liệu để dễ dàng thực hiện việc hỗ trợ. Nếu có đề bài thì chúng tôi sẽ có đáp số và công bố ngay” - ông Đường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp chờ thực thi chính sách gia hạn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO