Doanh nghiệp xoay xở vượt khó

VĨNH LỘC 18/04/2023 06:47

Trước những tác động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp Quảng Nam vẫn cố gắng xoay xở để thích ứng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù vậy, chặng đường phía trước dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh một số doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối diện nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: V.LỘC
Bên cạnh một số doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối diện nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: V.LỘC

Đảm bảo đơn hàng

Công ty CP Thiết bị y tế Danameco (Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, Điện Bàn) chuyên sản xuất trang thiết bị y tế xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật. Từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh khá sáng sủa, đơn hàng mới gia tăng mạnh, ước đạt 20% so với cùng kỳ, bao gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện tại, công ty có 650 công nhân, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, mỗi tháng đơn vị sẽ tuyển dụng thêm hàng chục lao động nhằm đáp ứng tiến độ sản xuất, kịp giao hàng.

Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 17/3, toàn tỉnh có 263 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 7,4% về số doanh nghiệp và giảm 36% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu tính cả số quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong 3 tháng đầu năm là 437 doanh nghiệp (giảm 28%).

Ngược lại, có 33 doanh nghiệp giải thể, 31 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 548 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 13% so với cùng kỳ năm trước).

Theo ông Văn Đức Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Danameco, có kết quả này bên cạnh thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, thời gian qua công ty làm khá tốt khâu marketing gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại điện tử.

Đồng thời, đầu tư máy móc, xây dựng đội ngũ chuyên nghiên cứu phát triển mẫu mã mới, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đa dạng sản phẩm của khách hàng.

Nhiều trang thiết bị y tế của công ty như áo, mũ, khăn, đồ phẫu thuật, bông gạc… có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, điều này được minh chứng qua những đơn hàng được ký kết với các tập đoàn dược phẩm hàng đầu nước Mỹ.

“Bình quân mỗi tháng công ty xuất 20 - 25 container sản phẩm cho khách hàng, lợi nhuận từ 7 - 10% trong một sản phẩm. Đây là tỷ lệ có thể chấp nhận được trong tình hình hiện nay bởi sự cạnh tranh rất gay gắt của nhiều đối thủ trong và ngoài nước” - ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh xuất khẩu, Danameco cũng tập trung mạnh cho thị trường nội địa, chủ yếu là các bệnh viện trong nước. Ba tháng đầu năm 2023, thị trường nội địa chiếm khoảng 30% trong tổng số đơn hàng của công ty.

Đảm bảo đơn hàng được xác định là mấu chốt để duy kỳ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ông Huỳnh Tấn Tuấn - Giám đốc Xí nghiệp May Duy Trung (Cụm công nghiệp Tây An, xã Duy Trung, Duy Xuyên) cho biết, đến thời điểm này, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị vẫn duy trì xuyên suốt, không có tình trạng cắt giảm lao động và giờ làm do từ đầu năm công ty đã tìm thêm khách hàng mới.

“So với năm ngoái, năm nay đơn hàng ổn định hơn. Tất nhiên, đơn giá không cao, nhất là với những khách hàng mới vì mình phải giảm giá để cạnh tranh. Nhờ vậy, chúng tôi vẫn đủ đơn hàng đến tháng 10/2023” - ông Tuấn thông tin.

Xí nghiệp May Duy Trung có hơn 800 lao động, chủ yếu may trang phục vest, áo quần thể thao, đồ bảo hộ y tế… xuất sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Trong tháng 4 này xí nghiệp thông báo tuyển dụng thêm 200 công nhân bổ sung cho xưởng may mới xây dựng.

Chưa hết khó khăn

Công ty Danameco và Xí nghiệp May Duy Trung được xem là những điểm sáng ít ỏi trong tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay. Khảo sát sơ bộ một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thấy tình hình khá ảm đạm. Hầu hết đơn hàng sụt giảm, ít có đơn hàng mới, một số doanh nghiệp thậm chí đối diện nguy cơ ngừng hoạt động.

 

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo trong quý I/2023 cho thấy 56% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn, 29% giữ ổn định và chỉ có 15% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn.

Ông Lê Văn Tân – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quang Hiếu (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Điện Bàn) thừa nhận tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị rất chật vật, so với cùng kỳ đơn hàng giảm 30 - 40%, dự kiến đến tháng 6 sẽ hết đơn hàng, trong khi đơn hàng mới chưa có tín hiệu khả quan.

Theo ông Dương Phú Minh Hoàng - Giám đốc Công ty CP gỗ Cẩm Hà, chưa khi nào hoạt động sản xuất ảm đạm như hiện nay. Bắt đầu từ đầu năm, chỉ khoảng 30% công nhân công ty đi làm, số còn lại tạm nghỉ.

Dù vậy, hết tháng 4 này, tất cả công nhân sẽ phải nghỉ việc hoàn toàn vì nhà máy hết đơn hàng, đóng cửa nếu như không có đơn hàng mới. Những năm trước bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khoảng 400 container sản phẩm gỗ dân dụng cho khách hàng, thị trường chủ yếu gồm Mỹ (70%) và châu Âu (30%), nhưng hiện nay mỗi tháng chỉ còn xuất 20 - 50 container.

“Việc đóng cửa nhà máy dẫn đến nhiều hệ lụy như tồn kho nguyên liệu, sản phẩm do không có đơn hàng để tiêu thụ. Chưa kể, chi phí khấu hao, tiền thuê đất (hơn 2,5 tỷ đồng/năm), tiền thuê cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp, lãi suất ngân hàng tăng cao… sẽ đẩy công ty vào tình huống khó khăn hơn” - ông Hoàng nói.

Có thể nhận thấy, bên cạnh các yếu tố khách quan như chiến sự Nga - Ucraina, kinh tế thế giới rơi vào lạm phát, suy thoái tác động đến sức mua, nhất là tại các nước châu Âu khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thấp thì những rào cản, khó khăn trong nước như khó khăn về tài chính, lãi suất vay cao, thiếu nguồn nguyên vật liệu… cũng tác động, ảnh hưởng khá lớn đến tình hình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Quảng Nam hiện nay.

Dù vậy, qua khảo sát, phần lớn doanh nghiệp vẫn tin tưởng hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2023 sẽ khả quan hơn (hơn 44% doanh nghiệp), tuy nhiên 32% doanh nghiệp không tin có sự thay đổi. Thậm chí, 24% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn tỏ ra bi quan về tình hình sản xuất sẽ khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp xoay xở vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO