Động lực cho phát triển

TRỊNH DŨNG - NGỌC ÁNH 14/01/2022 07:35

Các đề án Xã hội hóa đầu tư, Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng và Cơ chế hỗ trợ sâm Ngọc Linh và cây dược liệu được thảo luận nhiều nhất tại Kỳ họp thứ 5 vừa tổ chức. Trong đó, 2 đề án đã được thông qua.

Cơ chế mới về khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh tiếp tục được lấy ý kiến góp ý trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sau. TRONG ẢNH: Vườn sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: Đ.T
Cơ chế mới về khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh tiếp tục được lấy ý kiến góp ý trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sau. TRONG ẢNH: Vườn sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, Nam Trà My. Ảnh: Đ.T

Phải tính chuyện dài hơi

Hai đề án Xã hội hóa đầu tư và Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng đưa ra đã nhận ngay sự đồng thuận của đại biểu và dễ dàng thông qua. Song, yêu cầu của đại biểu khi đề án được triển khai trên thực tế sẽ phải được tính đến câu chuyện dài hơi.

Mối quan tâm lớn nhất của đại biểu không ngoài việc sẽ điều chỉnh hoặc thêm loại hình đầu tư để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào đô thị như trước đây.

Đại biểu Lê Văn Dũng yêu cầu có cơ chế mạnh (miễn 100% tiền đất ở bất cứ khu vực nào), khuyến khích đầu tư các trung tâm y tế chuyên khoa như tầm soát ung thư, tim mạch hay đột quỵ...

Đại biểu Phan Xuân Thanh hy vọng khi đề án Xã hội hóa đầu tư đi vào đời sống sẽ thu hút được các dự án tái chế rác thải, rác hữu cơ và mở rộng “đất diễn” cho nghệ thuật tuồng và sân khấu cải lương.

Đại biểu Võ Xuân Ca so sánh tại sao Tam Kỳ đất rộng hơn mà quy định thu hút ít các dự án đầu tư cho văn hóa. Ông nói, đừng tiếc mấy đồng tiền thuê đất mà hạn chế các ưu đãi cho các loại hình nghệ thuật đầu tư vào Tam Kỳ. Không có bất kỳ cơ sở biểu diễn nghệ thuật, không địa điểm văn hóa thì người dân đô thị tỉnh lỵ lấy gì hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần!

Cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển cây dược liệu ban hành trước đây giúp người dân tăng thu nhập, quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả... đã hết hiệu lực. Một cơ chế mới tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư phát triển dược liệu, sâm Ngọc Linh gắn với chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản xuất là điều cần thiết.

Đại biểu Bling Mia nói cơ chế, chính sách cần phân định rõ ràng vùng bảo tồn nguồn gen gốc, vùng khuyến khích phát triển sản xuất, địa bàn di thực. Xem xét tính khả thi khi phát triển cây dược liệu khi thiếu quy hoạch vùng trồng và khả năng cân đối nguồn lực đến đâu cho đề án này. Quan tâm đến cơ chế hỗ trợ sâm Ngọc Linh, đại biểu Phùng Thị Thương đề nghị xem xét hỗ trợ 80% cây giống thay vì 70% như đề án.

Bà Thương cho hay, hiện Nam Trà My chỉ có 3/7 xã đầu tư trồng sâm Ngọc Linh có điều kiện nhân giống, số còn lại không đủ điều kiện nên cần cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, một khi thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sâm thì phải tính đến việc thẩm định chất lượng, quản lý vùng sâm, nên cần có một đề án về an ninh sâm, tránh tình trạng lộn xộn như hiện nay.

Công viên gốm Thanh Hà là 1 trong những dự án đầu tư xã hội hóa đã được thực hiện tại Hội An. Ảnh: DŨNG ÁNH
Công viên gốm Thanh Hà là 1 trong những dự án đầu tư xã hội hóa đã được thực hiện tại Hội An. Ảnh: DŨNG ÁNH

Cơ chế, chính sách thích hợp sẽ tạo động lực phát triển

Ông Trần Văn Tân - Phó chủ tịch UBND tỉnh nói, dự kiến ngân sách chỉ có thể bảo đảm cân đối khoảng 20% về đầu tư cho GD-ĐT, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trong giai đoạn 2022 - 2025.

Trong khi đó, dù đã miễn 100% tiền thuê đất tại đô thị và nông thôn, nhưng từ 2018 - 2020 cũng chỉ có 9 dự án triển khai tại đô thị, với tổng vốn đầu tư đăng ký chưa tới 1.000 tỷ đồng, trong số 17 dự án đầu tư xã hội hóa (3.400 tỷ đồng). Chính đề xuất mở rộng quy mô, đa dạng hóa các hình thức đầu tư xã hội hóa, huy động nguồn lực từ tư nhân cũng là để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ tư nhân.

Theo ông Tân, không sợ trục lợi từ chính sách xã hội hóa. Việc miễn tiền thuê đất với danh mục, loại hình dự án cụ thể có sự khác nhau. Khi triển khai trên thực tế, các nhà đầu tư muốn được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi xã hội hóa đối với cả khu vực nông thôn và đô thị, ngoài điều kiện phải thuộc danh mục các loại hình và đáp ứng tối thiểu các tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, còn phải phù hợp nhu cầu của địa phương. Tất cả phải đáp ứng tiêu chí thu hút do UBND các địa phương rà soát, xây dựng và đề xuất định kỳ (chi tiết đối với từng dự án), được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồ án Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng tại Bình Nam (Thăng Bình) đã được thông qua, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng khi triển khai đề án cần phải rà soát, thẩm định cụ thể trước khi phê duyệt và thực hiện rõ trên thực tế tuân theo quy hoạch đã trình tại kỳ họp, để trở thành một động lực phát triển.

Đại biểu Trần Nam Hưng đề nghị xuyên suốt quy hoạch, bố trí đầu tư, tuân thủ tính chất của một khu công nghiệp sinh thái; ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao... đi kèm với sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuyện xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, thu gom, tái tạo tập trung, không xả thải trực tiếp ra môi trường.

Về Cơ chế hỗ trợ sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, bảo tồn nguồn gen gốc, khẳng định giá trị, thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường và mở rộng vùng dược liệu là điều phải được tính đến. Ông Bửu nói sẽ có đủ giống, sẽ có một cuộc đánh giá về sâm quốc gia (đã xây dựng từ 6 năm trước) trước Tết Nguyên đán 2022 để được Chính phủ phê chuẩn trở thành thương hiệu sâm tương đồng sâm Cao Ly.

Theo ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, cần ưu tiên hỗ trợ giống cho người dân ở các khu vực bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My và các khu vực đã có chỉ dẫn địa lý. Hình thành các mô hình thực nghiệm tại các địa phương di thực, đánh giá hiệu quả sinh trưởng, khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để hỗ trợ mở rộng, phát triển hợp lý theo từng khu vực là điều cốt lõi của đề án.

Tổng nguồn vốn được xác định để thực hiện nghị quyết là 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự thảo đề án không thể xác định, cân đối được nguồn lực ngân sách để đầu tư nên dự án đã không thể được thông qua. Phải chờ đến kỳ họp sau, nếu giải quyết được các vướng mắc này thì đề án sẽ được thông qua và đi vào cuộc sống như mong đợi của người dân.

Nhanh chóng triển khai, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống

Yêu cầu trên được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đưa ra tại Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh (khóa X) khai mạc hôm 12.1. Đây là kỳ họp chuyên đề xem xét, quyết định một số nội dung liên quan đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, như chính sách, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực; cơ chế khuyến khích, bảo tồn sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh; mức chi tiền công thực hiện nhiệm vụ các công tác chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông, chính sách tổ chức ôn tập cho học sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi THPT trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp, đều nhấn mạnh tính cần thiết và được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, cần bổ sung, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp để nghị quyết được thông qua thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến tham gia góp ý cho các đề án, trong đó tập trung vào cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa và cơ chế khuyến khích, bảo tồn sâm Ngọc Linh và dược liệu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, UBND tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo về an ninh sâm, chống sâm giả, mất cắp, giao Công an tỉnh chủ trì. Thời gian qua tỉnh làm rất tốt, khi có thông tin sâm giả đã kịp thời chỉ đạo xác minh làm rõ. UBND tỉnh cũng đã trình Chính phủ chương trình sâm quốc gia.

Hiện Chính phủ giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá lại chương trình sâm quốc gia và báo cáo Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng giải trình làm rõ một số vấn đề chung quanh đề án xã hội hóa, cho rằng ý kiến đề nghị miễn tiền thuê đất 30 năm thay vì 50 năm ở nông thôn, là không có cơ sở pháp lý.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh, kỳ họp đã thông qua 13 nghị quyết; trong đó có một số nghị quyết đáng chú ý như quy định chính sách, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; quy định mức chi tiền công thực hiện nhiệm vụ các công tác chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông, chính sách tổ chức ôn tập cho học sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi THPT trên địa bàn tỉnh; quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công…

Riêng nghị quyết về quy định cơ chế khuyến khích, bảo tồn sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 chưa thông qua do còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường khẳng định, Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh (khóa X) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đã đề ra. Các đại biểu HĐND tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, nhất trí biểu quyết thông qua 13 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với sự đồng thuận rất cao.

Các nghị quyết đã kịp thời cụ thể hóa quy định của pháp luật, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, tạo cơ sở pháp lý cho công tác tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2022.

Trong đó, có các nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn đến như chính sách liên quan đến xã hội hóa; chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; quy định mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành nhanh chóng triển khai, đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống với kết quả tốt nhất. (X.PHÚ - T.DŨNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực cho phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO